Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

BÁO CÁO
TÌNH HÌNH SẢN XUẤT LÚA VỤ ĐÔNG XUÂN 2010 – 2011 TẠI CÁC TỈNH, THÀNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

(Trình bày tại cuộc họp giao ban các tỉnh, thành ĐBSCL
ngày 06 tháng 12 năm 2010 tại Bạc Liêu)


1. Tình hình sản xuất lúa đông xuân 2010 – 2011 đên ngày 06-12-2010
Diện tích xuống giống lúa đông xuân 2010-2011: 531.894 ha/ 1.487.270 ha đạt 35,76% so kế hoạch, tăng 232.000 ha so cùng kỳ đông xuân 2009-2010.
Nhìn chung có sự chủ động của các địa phương đối với khuyến cáo của cơ quan chuyên môn trong thời vụ xuống giống. Những nhận định và dự báo về tình hình khí tượng thủy văn, mực nước lũ, dự báo di trú của rầy nâu, các trà lúa tại thời điểm chuẩn bị cho đông xuân 2010 - 2011 đã góp phần lớn cho việc chỉ đạo và điều hành thời vụ sản xuất ở các địa phương.
Cơ cấu giống lúa cũng tập trung vào các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 90 – 100 ngày. Một số tỉnh chủ động sản xuất các giống lúa dưới 90 ngày.
2. Nhận xét – đánh giá vụ lúa đông xuân 2010-2011
2.1 Những thuận lợi – khó khăn trong sản xuất vụ lúa đông xuân 2010-2011
+ Thuận lợi:
- Chủ động đề xuất các giải pháp chỉ đạo sản xuất lúa đông xuân từ rất sớm, Bộ NN & PTNT đã có Công điện số 20/CĐ-BNN, ngày 28/10/2010 “v/v Triển khai sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2010 - 2011 ở Nam bộ” theo đó: đề nghị UBND các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long cần tăng diện tích gieo sạ trong tháng 11 đạt khoảng 60% diện tích, diện tích còn lại gieo sạ trong tháng 12 và toàn vùng chấm dứt gieo sạ trước 30/12; Thành lập Ban chỉ đạo chống hạn, mặn các cấp và phê duyệt kế hoạch chống hạn, mặn của địa phương ngay từ đầu vụ để chủ động chống hạn, mặn trong cả vụ; Cảnh giác với dịch bệnh hại lúa, Ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày (90-95 ngày), chất lượng cao, chọn giống chống chịu mặn cho các vùng có nguy cơ xâm nhập mặn. Hướng dẫn nông dân bón phân cho lúa theo sát sự sinh trưởng của cây lúa để tránh lãng phí phân bón, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện sản xuất lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng”.
- Cục Trồng trọt, đã có công văn chỉ đạo sản xuất lúa đông xuân 2010 – 2011 gởi Sở NN & PTNT các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long từ rất sớm, trước khi xuống giống lúa.
- Cục Trồng trọt có công văn số 2049/TT-ĐPB ngày 16 tháng 11 năm 2010 về việc quản lý chất lượng phân bón phục vụ cho sản xuất đôngg xuân 2010 – 2011.
- Ngành nông nghiệp địa phương đã linh động xây dựng thời gian gieo sạ cho từng địa bàn cụ thể tùy theo điều kiện thủy văn và né rầy (căn cứ vào bẫy đèn ở địa phương). Đảm bảo gieo sạ cho từng khu vực tập trung đồng loạt, né rầy và né hạn.
-Giá lúa vụ thu đông 2010 tương đối cao khuyến khích nông dân tích cực trong sản xuất, thực hiện tốt trong khâu làm đất, chuẩn bị thời vụ.
-Phối hợp tốt các ban ngành chuyên môn trong chủ động phòng chống các loại dịch hại.
- Lực lư¬¬¬ợng cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp được tăng cường đến tận cấp xã, chủ động theo dõi tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng, chủ động phòng trị dịch hại kịp thời.
- Đầu vụ thời tiết khá thuận lợi và mưa đều, nắng tốt đã tạo điều kiện thực hiện kế hoạch gieo sạ vụ đông xuân 2010-2011 đồng loạt
+ Khó khăn:
- Do ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn nên việc gieo sạ vụ hè thu 2010 ở một số vùng thuộc các tỉnh ven biển chậm hơn 1 tháng so với cùng kỳ năm 2009, nên ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy vụ thu đông, đông xuân 2010-2011
- Do năm nay lũ đến muộn và mực nước lũ thấp hơn so năm 2009, đặc biệt trong tháng 11 mưa lớn trên diện rộng, tập trung trong nhiều ngày, làm cho mực nước trên đồng cao, ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ và gây thiệt hại 41.304 ha tại các tỉnh: Bạc Liêu, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Vĩnh Long và Sóc Trăng. Trong đó phải gieo sạ lại 24.548 ha, khắc phục được 16.756 ha.
- Hiện nay một số diện tích phải gieo sạ lại nên một số giống lúa giống tương đối cao, từ 10.000-12.000đ/kg nên nông dân gặp nhiều khó khăn.
- Mực nước trên sông Hậu năm 2011 xuống thấp hơn nhiều năm. do vậy trong vụ Đông xuân 2010-2011, sẽ thiếu nước ngọt, ảnh hưởng do mặn xâm nhập nguy cơ là rất cao.
- Mực nước lũ thấp, lượng phù sa do lũ mang lại không nhiều nên nông dân phải tăng lượng phân bón để đảm bảo năng suất, giá cả vật tư có xu hướng tăng cao, chi phí cấy dặm, chí phí bơm tát nước, chi phí giống sạ lại tăng hơn so hàng năm làm gia tăng chi phí sản xuất.
2.2 Thời vụ
Hầu hết các tỉnh đều chủ động xuống giống đúng lịch thời vụ đề ra và chủ động tăng diện tích xuống giống trong tháng 11..
Nhìn chung thời vụ xuống giống lúa vụ Đông Xuân 2010 - 2011 căn cứ triệt để theo khuyến cáo né rầy trong toàn vùng và căn cứ vào dự báo rầy nâu di trú của từng tỉnh trên cơ sở theo dõi bẫy đèn. Các nguyên tắc xuống giống tập trung, né rầy trong từng khu vực, từng cánh đồng đã được áp dụng một cách kiên quyết, đồng bộ.
Một vài nơi xuống giống trong khoảng thời gian nữa đầu tháng 11 – 2010 (xung quanh nước 10 tháng 10 âm lịch) chịu tác động của các cơn mưa trái mùa và triều cường làm chết giống phải gieo sạ lại.
2.3 Cơ cấu giống lúa
Cho đến nay các giống lúa trồng chủ yếu trong đợt xuống giống tháng 11 gồm các giống lúa IR 50404, Jasmine 85, VND 95-20, OM 2517, OMCS 2000, OM 4498, OM 4900, OM 2514, OM 6073, OM 6162, OM 4218, OM 4088, OM 6561, nếp.
2.4 Tình hình giá cả vật tư nông nghiệp tính đến ngày 03/12/2010 tại Cần Thơ:
* Giá lúa: Hiện nay do lúa Thu đông 2010 đã thu hoạch hết, lượng lúa còn lại trong dân không nhiều nên giá lúa tăng cao hơn so với kỳ trước, cụ thể như sau: IR 50404 từ 6.000 - 6.300 đồng/kg, giá lúa Jasmine 85 (cũ): 8.100 - 8.200 đồng/kg, giá lúa chất lượng cao hạt dài: (OM 1490, OM 2717, OM 2514): 6.700 - 7.400 đồng/kg.
* Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật:
Vào thời điểm đầu vụ lúa do nông dân chuẩn bị cho canh tác vụ Đông xuân làm cho giá phân bón, thuốc BVTV tăng từ 5-30%; đến thời điểm hiện nay giá vật tư nông nghiệp đã ổn định. Cụ thể:
Phân Urea Phú Mỹ hiện có giá 8.400 - 9.800 đ/kg; DAP đen: 14.600 - 16.000đ/kg; Kali Canada 10.600 - 12.000 đ/kg; NPK 20-20-15 Đầu trâu 12.200 - 13.200 đ/kg; NPK 16-16-8 Việt Nhật 9.300 - 9.500 đ/kg; Lân Long Thành 2.300 - 2.600 đ/kg.
- Giá thuốc BVTV: Cruiser: 28.000 - 33.000 đ/chai 10ml; Folicur 430SC: 35.000 - 40.000 đ/chai 60ml; Gaucho: 20.000 - 22.000 đ/chai; Bolis 12B: 38.000 - 40.000 đ/gói; Bolis 6B: 21.000 - 22.000 đ/gói; Sofit: 140.000 - 145.000 đ/chai 500ml.
- Giá lúa giống: Giá lúa giống trong những ngày qua tăng bình quân từ 1.000-1.500 kg/ha tại khu vực quận Thốt Nốt, Ô Môn...
2.5. Dự báo những khó khăn xảy ra vào cuối vụ đông xuân 2010-2011
Một số diện tích có khả năng không đủ nước ngọt tới cuối vụ, xâm nhập mặn, tập trung ở các nơi cuối nguồn nước ngọt
Sản xuất cuối vụ đông xuân có thể gặp khó khăn chủ yếu về nguồn nước tưới do xâm nhập mặn đến sớm,
Cuối vụ đông xuân nếu thời tiết nắng nóng và ẩm độ cao tạo điều kiện thuận lợi cho rầy nâu, bệnh đốm vằn và cháy lá phát triển khoảng 12/2010-01/2011dl do thời điểm nay có sương mù nhiều, biên độ ngày và đêm cao.
+ Ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến lúa đông xuân 2010 - 2011: diện tích lúa đông xuân các tỉnh ven biển: Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre: 620.000 ha/ 1.500.000 ha chiếm 40% diện tích toàn vùng.
+ Diện tích có nguy cơ xâm nhập mặn cao nhất: khoảng 100.000 ha/650.000 ha, chiếm 16 % diện tích canh tác lúa của các tỉnh trên, địa bàn ảnh hưởng mặn gồm các huyện: Gò Công đông, Gò Công tây, Thị xã Gò Công, Chợ Gạo, Tân Phú đông (Tiền Giang); Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (Trà Vinh); Mỹ Xuyên, Long Phú (Sóc Trăng); Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai (Bạc Liêu); An Minh, An Biên, hòn đất (Kiên Giang) và các huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Ngã Bảy, Vị Thanh (Hậu Giang).
3. Một số giải pháp cần phải được tiếp tục tập trung thực hiện
+ Về thời vụ
- Căn cứ vào điều kiện nước tưới của từng vùng, khả năng trữ nước thực tế của các hồ chứa, vận hành tốt hệ thống các công trình thủy lợi, tiếp tục tập trung tháng 12 năm 2010 với mục tiêu né tránh khô hạn vào cuối vụ, xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy cho từng vùng, từng cánh đồng theo dự báo về tình hình rầy nâu của cơ quan BVTV..
Hơn 60% diện tích sản xuất vụ lúa đông xuân sẽ ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất lúa của các vụ lúa trong năm ở đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy việc bố trí thời vụ xuống giống cần được theo dõi chặt chẽ để không ảnh hưởng đến sản xuất các vụ lúa còn lại trong năm 2011.
+ Về cơ cấu giống lúa
- Mỗi tỉnh, thành chọn 3 - 5 giống chủ lực, 2 - 3 giống bổ sung và một vài giống lúa triển vọng để có thể thay thế khi gặp những điều kiện không thuận lợi đối với giống chủ lực.
- Các giống lúa chủ lực được khuyến cáo cho vụ Đông Xuân:
Nhóm giống cao sản chất lượng cao cho xuất khẩu: OM 2517, VND95-20, OM 3536, OM 2717, OMCS 2000, OM 2514, OM 4900, OM 4218.
Nhóm giống lúa thơm-đặc sản: Jasmine 85, VD20, ST5, Tài Nguyên, Nàng Hoa, nếp OM 84...
Các giống lúa chịu phèn mặn trung bình-khá: OM 6677, AS996, OM 5199, OM 576, OM 2517, OM 5472, OM 6561, OM 2395, B-TE1, ST5,
- Tăng cường sử dụng giống lúa xác nhận và cơ cấu một giống lúa không vượt quá 15-20% diện tích lúa trong phạm vi toàn tỉnh, thành; trường hợp đặc biệt giống có nhu cầu thị trường rộng, diện tích không vượt quá 30% và cần phải theo dõi chặt chẽ vùng sản xuất. Các giống chủ lực có thể bố trí thành từng địa bàn sản xuất tập trung theo từng giống để thuận lợi cho việc thu mua, chế biến.
+ Về phòng trừ dịch bệnh
- Rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá vẫn còn đe dọa sản xuất lúa ở Nam bộ, vì vậy luôn cảnh giác phòng trừ theo các biện pháp đã thực hiện thành công trong các năm qua, trong đó các biện pháp then chốt gồm: gieo sạ tập trung né rầy, sử dụng giống kháng, dự báo tốt tình hình rầy nâu qua hệ thống bẫy đèn thiết lập đến cấp huyện, giám sát chặt chẽ đồng ruộng, phun xịt thuốc BVTV theo "bốn đúng".
- Chú ý theo dõi bệnh đạo ôn trên lúa Đông Xuân và các dịch bệnh khác để phòng trừ kịp thời. khi phòng trị bệnh đạo ôn cần phun đủ lượng nước hỗn hợp, không pha trộn thuốc với phân bón lá thuộc dạng có nhiều đạm, phun khi lá lúa không còn đọng sương hay nước mưa, không để ruộng bị khô vì thiếu nước bệnh sẽ nặng hơn...
- Trong điều kiện ngập lũ nhỏ các địa phương cần lưu ý đến đối tượng chuột, chúng dễ dàng có nơi cư trú tích lũy gia tăng mật số nhất là những tỉnh có diện tích bị hại cao trong vụ trước như An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp.
- Chú ý các giải pháp khắc phục ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn, hạn, mặn.
+ Phân bón
- Sử dụng các loại phân bón chuyên dùng đã được tính toán hàm lượng dinh dưỡng phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của lúa
- Sử dụng các loại phân bón chậm tan để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón của cây trồng và tiết kiệm chi phí.
+ Giữ nước thích hợp: trong tình hình nước tưới khó khăn cho lúa cần áp dụng biện pháp quản lý nước thích hợp
- Tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa mà giữ mực nước trong ruộng phù hợp 3-5 cm.
- Áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước trên ruộng lúa kết hợp với biện pháp 3 giảm 3 tăng sẽ nâng cao hiệu quả trồng lúa, giúp giảm số lần tưới nước trong một vụ lúa và góp phần giảm dịch hại, chi phí sản xuất và áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch.
+ Giai đoạn trước trổ: chỉ cho nước vào ruộng cao tối đa 5-7cm khi mực nước xuống thấp dưới mặt đất 15cm.
+ Giai đoạn lúa trổ: luôn giữ nước trong ruộng (cao tối đa 5-7cm) liên tục trong vòng 1 tuần.
+ Giai đoạn sau trổ: chỉ cho nước vào ruộng đủ ẩm khi mực nước xuống thấp dưới mặt đất 15 cm.
- Cần có đủ nước cho việc bón phân (chỉ cần bơm nước ngập mặt ruộng khoảng 5 cm), không bón phân khi ruộng khô nước.
- Những ruộng lúa trong vùng nhiễm mặn cần theo dõi việc xâm nhập mặn vào cuối tháng 01/2011, đề phòng việc nước mặn xâm nhập sớm ảnh hưởng đến trà lúa trong giai đoạn đòng, trổ sẽ dễ bị lép hạt. Cần có kế hoạch trữ nước ngọt trong kênh mương, ao hồ phục vụ cho những chân ruộng này.
+ Các biện pháp khác
- Tăng cường thực hiện việc phổ biến sản xuất lúa theo hướng GAP, tập huấn nông dân ghi chép sổ tay sản xuất lúa, tập trung vào các giải pháp 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quản lý nước và tưới tiết kiệm, sử dụng phân bón hợp lý, cân đối.
- Đẩy mạnh thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, các biện pháp phơi sấy, tồn trữ phù hợp với từng vùng. Đây là một trong những khâu quan trọng trong giảm thất thoát, giảm chi phí thu hoạch và nâng cao phẩm chất lúa gạo.
- Kết hợp với Công ty lương thực xây dựng vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu theo các yêu cầu, tiêu chí và ghi nhớ đã được thỏa thuận giữa Sở Nông nghiệp và các Công ty lương thực.
4. Kiến nghị
- Sở NN & PTNT các tỉnh, thành dựa trên cơ sở thành lập ban chỉ đạo chống hạn, cần rà soát, kiểm tra, thống kê diện tích sản xuất vụ đông xuân 2010 – 2011 có nguy cơ khô hạn, xâm nhập mặn, thực hiện các giải pháp chống hạn tại địa phương đồng thời có các kiến nghị cụ thể các hạng mục công trình, các giải pháp hỗ trợ bằng văn bản về Cục Trồng trọt để có cơ sở trình lãnh đạo Bộ NN & PTNT đề xuất chính sách hỗ trợ.Tập trung chỉ đạo việc xuống giống lúa đúng lịch thời vụ và tính toán, điều tiết lượng lúa giống phục vụ sản xuất. xây dựng phương án chăm sóc bảo vệ lúa đông xuân trong tình hình thực tế hiện nay và chuẩn bị trong các đợt nghỉ tết dương lịch 2011 và tết Nguyên đán.
- Tổng Cục Thủy lợi, Cục BVTV, Trung tâm khuyến nông quốc gia tiếp tục thực hiện theo tinh thần công điện số 20/CĐ-BNN, ngày 28/10/2010 “v/v Triển khai sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2010 - 2011 ở Nam bộ” của Bộ NN & PTNT.


CỤC TRỒNG TRỌT

1 nhận xét:

XRL nói...

Thank bài viết hữu ích của anh. Em lấy ít thông tin đưa vào báo cáo của em. Anh có thể cho em thêm thông tin bài viết này từ báo cáo nào của anh để em ghi chú nguồn trích dẫn được ko ạ