Mẹ già như chuối chín cây…
Lời bài hát văng vẵng trong
những mùa Vu Lan báo hiếu nhiều năm, nỗi niềm của những người con có mẹ già khi
nghe bài hát này là nỗi niềm của sự ray rứt, âu lo nếu có một ngày phải cài lên áo một đóa hồng và nhận ra mình mất Mẹ[1];
lời bài hát như một sự cảnh báo nhẹ nhàng mà thấm sâu đến cùng tận. Sự thấm đẩm
tình yêu thương của mẹ lan tỏa trong không gian huyền thoại, trong câu ca lời
nhạc, trong sâu thẳm đất trời lắng đọng trong mỗi trái tim.
Sinh nhật 50 tuổi của Tôi,
Má tôi điện thoại chúc mừng, lời chúc sức khỏe của mẹ già càng làm tăng thêm sự
áy náy trong tôi. Năm nào cũng vậy, đến ngày sinh của tôi là Má tôi gọi điện
hỏi thăm, mẹ già ở xa mà trái tim và tình yêu thương lúc nào cũng hướng về con,
lời thăm hỏi cũng chỉ xoay quanh chuyện con đi đâu? sức khỏe thế nào và không
quên dặn tôi phải giữ gìn, sự giữ gìn sức khỏe là lời dặn chung chung của người
mẹ dặn con và tôi cũng hứa để mẹ yên tâm. Có lẽ Má tôi cũng biết rằng tôi phải
làm nhiều việc và đôi khi quên đi việc chăm lo sức khỏe của mình, tôi cũng chỉ
nghỉ rằng má tôi vẫn còn xem tôi như đứa trẻ, chăm chút cho việc ăn ngủ cũng là
chuyện bình thường, không suy nghỉ gì thêm nữa cho đến lần sinh nhật này, sự
đúng ngày tháng và những câu thăm hỏi đã làm tôi phải thảng thốt.
Năm nay tôi 50 tuổi, lời
chúc mừng ngày sinh của Má tôi làm tôi chạnh lòng, tôi không khóc nhưng sao khi
nghỉ về mẹ mà lòng buồn rười rượi. Câu hát …gió lay mẹ rụng con phải mồ côi có còn làm xao động một
đứa con 50 tuổi nghỉ về mẹ hay không? Tôi không trả lời cho chính mình, cũng
không trả lời cho riêng gia đình tôi, tôi nghiệm rằng người mẹ trên thế gian
này và người mẹ của bất cứ ai thì cũng để lại trong lòng những đứa con của mẹ
những nỗi niềm sâu lắng như trong tôi. Nghĩa mẹ là những tình cảm vô thức xuất
phát từ thiên chức người mẹ mà những người cha dù có bằng nhiều cách khác nhau
cũng không biểu hiện được hết những cảm xúc và làm xao động tâm hồn đứa con
bằng mẹ, sự khác nhau phải chăng là rứt ruột đẻ đau, là những dòng sữa đầu đời
hay câu hát ru bên cánh võng hay trong vòng tay? Nghĩa mẹ là những âu lo, những
lời căn dặn khi ta sắp đi đâu, làm gì…; cho đến khi ta đã lập gia đình, có con
cái, mẹ đã trở thành Bà nhưng với chính ta thì mẹ vẫn trở về nguyên vẹn nghĩa
mẹ không hề đổi thay.
Năm tay tôi 50 tuổi, những mặn
ngọt cuộc đời cũng đã đi qua, đã nếm trãi, đã thấm thía nhiều nỗi đau, đã tận
hưởng nhiều hạnh phúc và gặp gỡ không biết bao nhiêu người, đôi khi vùi đầu vào
những lo toan, đôi khi vui sướng những phút hẹn hò, những đêm về bình lặng chợt
hỏi lòng có bao giờ ta nghỉ về mẹ ta không? Một câu hỏi để rồi ta có những nghỉ
suy, những xúc cảm, những hành động như là lời tạ ơn mẹ thay cho những vô tình
có thể ta đã để xãy ra.
Khi tất cả đã là không,
không có trên thế gian này, trên cõi tạm này; khi tất cả trở về là những duyên
phận vĩnh hằng hằng có và không lay động nhân gian từ những kiếp sống vô thường
thì mẹ vẫn là sự vĩnh cữu hằng mong. Sự thiêng liêng của mẹ không chỉ bao hàm
sự hiện hữu hay huyền thoại, sự thiêng liêng của mẹ tồn tại chính ngay trong
những suy tư, thổn thức. Cho nên, trong mỗi chúng ta luôn luôn có mẹ bên mình.
Đó là niềm hạnh phúc lớn lao, niềm tự hào duy nhất cho tất cả những ai còn và
không còn mẹ. Mới hay, mẹ quý giá biết dường nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét