Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

Lãnh đạo VFA bán phá giá gạo?

Lãnh đạo VFA bán phá giá gạo?
Thứ Ba, 06/10/2009 --- cập nhật 09:46 GMT+7


Trong khi một số vị lãnh đạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) không ngớt lời tố cáo các DN "bán phá giá" thì các công ty trực thuộc họ lại liên tục bán dưới giá sàn VFA quy định.

Sự thật về "Công ty 1 đôla"!

Một công ty được thành lập ở Singapore để mua gạo giá rẻ từ Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vina Food 2) và bán lại cho các đối tác nhập khẩu. Theo hồ sơ chúng tôi thu thập được, ngày 12-2- 2009, một công ty mang tên Saigon Food (Pte. Ltd.) được thành lập ở Singapore, trụ sở đặt tại tòa tháp số 4 - khu thương mại Suntec. Ngành nghề đăng ký gồm: Kinh doanh thực phẩm, nông thủy sản, thiết bị và nguyên liệu dạng thô, cung cấp các dịch vụ vận tải…
Đáng chú ý là vốn pháp định đăng ký của công ty "đa ngành nghề" này chỉ là 1 đôla Singapore (!). Đại diện công ty này là bà Cao Thị Ngọc Hoa (Quốc tịch Việt Nam, địa chỉ số 200, Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, quận 3, TP.Hồ Chí Minh), giữ chức danh Giám đốc. Đồng lãnh đạo còn có một nhân vật trong ngành xuất khẩu ở Trà Vinh (đồng Giám đốc) và 3 cá nhân là người Singapore. Điều đáng chú ý, trong phần thông tin cổ đông sở hữu (Shareholder) đăng ký với cơ quan chức năng nước sở tại, đơn vị đại diện nguồn vốn 1 đôla này chính là Vina Food 2, nhưng "núp bóng" với cái tên tiếng Anh: Vietnam Southern Food Corporation. "Cụ thể" hơn, những nhân vật thành lập Saigon Food còn ghi luôn địa chỉ "ông cổ đông" duy nhất ấy tại: Số 42, Chu Mạnh Trinh, quận 1, TP.Hồ Chí Minh (đúng địa chỉ Vina Food 2 - PV)!

Các tờ khai bán gạo của Vina Food 2 cho Công ty Saigon Food.

Ngày 5-10, thông qua một đồng nghiệp đang công tác tại Singapore, chúng tôi đã nhờ tiếp cận và liên lạc trực tiếp nhiều lần với Công ty Saigon Food nhưng suốt ngày hôm qua không có ai bắt máy điện thoại (?). Một nguồn tin trong giới kinh doanh của khu Suntec Tower cho biết, từ khi thành lập đến nay, công ty này chuyên làm nhiệm vụ nhập khẩu gạo từ Việt Nam với giá thấp, sau đó bán lại cho các đối tác nước ngoài để hưởng chênh lệch. Trong tất cả các hợp đồng mua bán của công ty này, Vina Food 2 chính là đơn vị đã ký xuất hàng chục ngàn tấn gạo 5% tấm với giá thấp để Saigon Food nghiễm nhiên hưởng lợi.

Kẻ phá giá là ai?

Để làm sáng tỏ nghi vấn này, phóng viên NTNN đã tiếp cận tờ khai hải quan mới đây (ngày 26-8-2009), do đích thân ông Trương Thanh Phong Giám đốc Vina Food 2 kiêm Chủ tịch VFA ký, đóng dấu. Tờ khai này thể hiện: Vina Food 2 bán cho Công ty Saigon Food lô hàng 5.000 tấn gạo 5% tấm với giá 406USD/ tấn. Trong khi đó, tại website của VFA, "giá sàn" loại gạo 5% tấm nói trên (do chính ông Phong với tư cách là Chủ tịch VFA ấn định) vẫn "ràng buộc" ở mức 430USD/ tấn (!). Số hàng trị giá hơn 2 triệu USD này ngay ngày hôm sau (tức 27-8-2009) đã thông quan tại cảng Bến Nghé (TP.Hồ Chí Minh), nhưng không phải chuyển về Singapore mà giao cho Togo - một quốc gia ở tận… châu Phi! Một nhà phân tích kinh tế khẳng định: "Đây mới thực sự là hành vi bán phá giá. Nếu nói rõ hơn, đó là hành vi lập công ty “sân sau” để trục lợi bất chính, ăn trên lưng nông dân…!".
Tòa tháp số 4 - khu thương mại Suntec ở Singapore nơi Saigon Food đặt trụ sở.

Theo điều tra của phóng viên NTNN, hiện ngay trong nước đang xuất hiện một số công ty theo kiểu "sân sau" của VFA và Vina Food 2. Điển hình là Công ty Lương thực Trà Vinh (đơn vị trực thuộc Vina Food 2) do ông Nguyễn Thọ Trí làm Giám đốc. Xin nhắc ông Trí là nhân vật "nổi cộm" trong thời gian qua trên các mặt báo. Vì vừa được giới thiệu chức Phó Chủ tịch VFA chưa bao lâu, ông này liền "năm lần bảy lượt" tuyên bố với báo giới là sẽ "công khai xử lý" các DN của ĐBSCL vi phạm quy chế, bán phá giá gạo… (?). Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là vào ngày 5-8-2009, "Công ty nhà" nói trên của ông lại ngang nhiên ký xuất lô hàng khoảng 20.000 tấn gạo 5% tấm cho một đối tác Singapore với giá 400USD/tấn. Trong khi đó, ngay tại thời điểm nói trên, "giá sàn" mà VFA "ràng buộc" các DN khác cho loại gạo 5% tấm (lúa hè thu) đang là 430USD/tấn.

Một nguồn tin từ các DN xuất khẩu cho biết, lô 20.000 tấn gạo mà Công ty Lương thực Trà Vinh đã xuất nói trên chính là loại gạo đông xuân (vụ 2008-2009 tồn lại). Loại gạo này có chất lượng cao nhất nên thời giá giao dịch quốc tế cũng phải từ 450 - 460USD/ tấn. Với lô hàng này Công ty sân sau của ông Trí đã bán dưới giá thị trường, "phá giá" và gây tổn thất trên 1 triệu USD. Dĩ nhiên, thiệt hại đó chỉ được nhìn thấy khi xem xét ở thời giá (giá gạo giao dịch quốc tế) và người lãnh đủ là nông dân làm ra nó chứ không phải DN xuất khẩu do ông Trí điều hành.

Ngồi mát hưởng bát vàng

Trong quá trình điều tra, chúng tôi nhận được thông tin phản hồi từ nhiều DN ở các tỉnh ĐBSCL: Thời gian gần đây có nhiều DN nhỏ, thực chất không đủ năng lực xuất khẩu, không đủ điều kiện kho bãi, chưa từng ký hợp đồng xuất trên 10.000 tấn (điều kiện bắt buộc - PV) vẫn được lần lượt kết nạp vào VFA và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị. Nhiều DN này ngang nhiên được "chia ủy thác" 20% số gạo mà các DN chân chính khác ký được với đối tác và hưởng lợi nhàn nhã. Thậm chí, sau 3 lần có chủ trương thu mua tạm trữ lúa hè thu, nhiều DN không đủ kho bãi, hoặc kho đã đầy ắp… vẫn được VFA phân bổ chỉ tiêu thu mua để nhận nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất. Một giám đốc DN đề xuất: "Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội nên vào cuộc điều tra, làm rõ việc này. Vì nếu để kéo dài tình trạng đó là lãng phí nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ.
Theo Nông Thôn Ngày Nay
Viết bình luận cho bài viết này

Không có nhận xét nào: