Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

Ý kiến kết luận của Thứ trưởng Bùi Bá Bổng tại cuộc họp giao ban “Sản xuất lúa, phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn –lùn xoắn lá vụ Đông Xuân 2009-2010


Ngày 21/12/2009 tại Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức họp giao ban “Sản xuất lúa, phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá vụ Đông Xuân 2009-2010 ở Nam Bộ”. Thành phần gồm đại diện lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khu vực Nam Bộ, các cơ quan thuộc Bộ có liên quan, đại diện một số Viện trường, Hội.
Sau báo cáo của Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, các Sở, thảo luận của các đại biểu, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đã có ý kiến kết luận cuộc họp như sau.
1. Thuận lợi và khó khăn trong sản xuất lúa Đông Xuân 2009-2010 ở Nam Bộ
Tính đến thời điểm hiện nay, diện tích lúa Đông Xuân 2009-2010 đã xuống giống trên 1 triệu ha (80% diện tích của vụ), diện tích còn lại khoảng 500.000 ha sẽ gieo sạ đợt sau cùng vào cuối tháng 12/2009 đến đầu tháng 1/2010. Như vậy, thời vụ gieo sạ nằm trong khung thời vụ lý tưởng của Vụ Đông Xuân, ngoài ra diện tích lúa Đông Xuân sớm (sạ trong tháng 10) chiếm tỷ lệ thấp và sạ tập trung. Hiện nay lúa được giá khuyến khích nông dân chăm sóc lúa tốt hơn.
Những khó khăn trong sản xuất lúa Đông Xuân 2009-2010 ở Nam Bộ bao gồm:
- Theo dự báo, vụ Đông Xuân 2009-2010 sẽ bị ảnh hưởng bởi hạn hán và mức độ xâm nhập mặn sâu hơn. Nếu giai đoạn lúa trổ bị hạn hoặc bị xâm nhập mặn, năng suất sẽ giảm nghiêm trọng.
- Tình hình rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá xảy ra mức độ nhẹ trên trà lúa Đông Xuân đã gieo sạ, mật số rầy nâu trên trà lúa mùa cũng ở mức thấp. Tuy nhiên, khả năng bộc phát của rầy nâu khó lường, vì vậy rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá vẫn còn là một nguy cơ trong sản xuất vụ Đông Xuân 2009-2010. Ngoài ra, bệnh đạo ôn luôn đe dọa lúa Đông Xuân, đặc biệt vào thời kỳ truớc, trong và sau Tết Nguyên đán.
- Nông dân đầu tư cao hơn cho sản xuất lúa (do lúa có giá) là thuận lợi nhưng cũng cần lưu ý khả năng xảy ra việc bón thừa phân đạm, sử dụng thuốc BVTV không đúng lúc dẫn đến sâu bệnh bộc phát, lây lan.
3. Những công việc cần tập trung chỉ đạo
a) Đối với diện tích lúa đã sạ
Theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh, nhất là rầy nâu, bệnh VL-LXL, bệnh đạo ôn; theo dõi mật số rầy nâu trên trà lúa mùa, khả năng rầy di trú đến từ Campuchia.
Hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa tốt, trong đó chú ý: không sử dụng thừa phân đạm, hạn chế phun thuốc trừ sâu cuốn lá giai đoạn lúa non.
b) Đối với diện tích sắp sạ
Đảm bảo thời vụ sạ lúa Đông Xuân chấm dứt trước 10/1/2010. Việc phải chấm dứt gieo sạ trước 10/1 rất quan trọng vì càng sạ muộn càng dễ bị ảnh hưởng hạn về sau.
Các địa phương căn cứ số liệu thu thập từ bẫy đèn tại địa phương để xác định thời vụ cụ thể theo hướng sạ tập trung, né rầy. Trường hợp mật số rầy thấp, nên khuyến cáo nông dân sạ để kết thúc thời vụ sớm.
c) Những công việc cần chú ý trong cả vụ
- Đối phó với xâm nhập mặn và hạn hán
Các địa phương cần củng cố hệ thống cống ngăn mặn và bờ bao nội đồng.
Đối với chống hạn, cần tích cực ngay từ đầu vụ: náo vét kinh mương, tu sử trạm bơm, đầu tư phát triển mạng lưới bơm điện.
- Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh
Từ nay đến sau Tết là giai đoạn nhạy cảm nhất đối với lúa Đông Xuân, vì vậy cần giám sát đồng ruộng thường xuyên để phát hiện kịp thời sâu bệnh (chú ý rầy nâu, bệnh VL-LXL, bệnh đạo ôn), chú ý rầy di trú từ lúa mùa sang lúa Đông Xuân.
Hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hiệu quả, đặc biệt không bón thừa phân đạm, sử dụng thuốc BVTV theo “4 đúng”, chú ý hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu ăn lá giai đoạn lúa non để giữ mật số rầy nâu không bộc phát.
Theo dõi việc thực hiện chương trình “3 phải, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa.
Rút kinh nghiệm việc thực hiện mô hình VietGap trên lúa (bao gồm việc nông dân ghi chép Sổ tay theo GAP).
- Các địa phương tiến hành điều tra về cơ cấu giống lúa ngay sau kết thúc gieo sạ vụ Đông Xuân ở từng tỉnh để giúp chỉ đạo việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh phù hợp và định hướng cho việc tiêu thụ; theo dõi việc tổ chức nhân giống lúa tại địa phương, đánh giá hệ thống nhân giống nông hộ.
- Tiếp tục đẩy mạnh thu hoạch lúa bằng máy, tháo gỡ thủ tục để nông dân, doanh nghiệp tiếp cận được chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 48/NQ-CP của Chính phủ ngày 23 tháng 9 năm 2009.
- Thanh, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV và phân bón thường xuyên và đột xuất.
- Đối với các tỉnh ven biển, tổng kết rút kinh nghiệm sản xuất lúa trong cơ cấu lúa - tôm, xác định giống lúa phù hợp cho cơ cấu lúa - tôm.
4. Phân công chỉ đạo
a) Đối với các Sở
Lập chương trình công tác chỉ đạo sản xuất lúa Đông Xuân của địa phương, chú ý các công tác cần tập trung nêu trên, phân công các đơn vị của Sở triển khai thực hiện, thường xuyên báo cáo cho Bộ (qua Cục Trồng trọt), đối với tình hình sâu bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn phải báo cáo kịp thời.
b) Các Cục: Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, Thủy lợi, Chế biến TMNLTS và Nghề muối phối hợp với các địa phương để nắm kịp thời diễn biến sản xuất, đôn đốc thực hiện các biện pháp và đề xuất các chính sách để hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ các thủ tục trong thực hiện các chính sách Nhà nước đã ban hành. Cục Trồng trọt phối hợp với các đơn vị liên quan và các Sở xây dựng báo cáo tổng kết sản xuất lúa năm 2009 ở Nam Bộ và định hướng sản xuất năm 2010 (hoàn thành trong tháng 01/2010).
c) Trung tâm Khuyến nông - KN QG, Viện trường tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất tốt, giới thiệu TBKT mới.
Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai, thực hiện.

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2009

Tập trung chỉ đạo sản xuất lúa Đông Xuân 2009-2010 ở ĐNB và ĐBSCL

Thứ năm 22.10.2009, 13:48

Công văn số 3437/BNN-VP ngày 22/10/2009 V/v Tập trung chỉ đạo sản xuất lúa Đông Xuân 2009-2010 ở ĐNB và ĐBSCL

Kính gửi: Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long

Vụ lúa Đông Xuân là vụ lúa quan trọng nhất trong năm ở vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp 50% sản lượng lúa Đông Xuân cả nước với giá thành sản xuất thấp, chất lượng gạo tốt rất thuận lợi cho xuất khẩu. Vì vậy, cần tập trung chỉ đạo có hiệu quả nhằm đạt năng suất, sản lượng, tăng thu nhập và lợi nhuận cho nông dân, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu gạo trong năm 2010.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp và các cấp chính quyền thực hiện một số giải pháp sau:

1. Về thời vụ

- Căn cứ vào điều kiện nước tưới của từng vùng bố trí thời vụ xuống giống lúa Đông Xuân 2009 - 2010 trong tháng 11 và tháng 12, tập trung đồng loạt né rầy cho từng vùng, từng cánh đồng theo dự báo về tình hình rầy nâu của cơ quan BVTV. Đảm bảo thời gian giãn cách vụ từ vụ Thu Đông 2009 sang vụ Đông Xuân 2009-2010 ít nhất 03 tuần để cắt cầu nối lây lan của dịch hại.

- Có kế hoạch bơm tát để xuống giống ở vùng ảnh hưởng nước lũ rút chậm, gia cố đê bao, bờ vùng, bờ thửa để chủ động trong việc xuống giống lúa theo thời vụ khuyến cáo.

2. Về cơ cấu giống lúa

- Giống lúa sản xuất cần đáp ứng thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu, kiên trì bố trí cơ cấu giống lúa theo hướng chất lượng cao (gạo hạt dài, trong, không bạc bụng). Đối với vụ Đông Xuân có thể trồng các giống lúa thơm cao sản ở những vùng thuận lợi để cung cấp gạo cao cấp.

- Mỗi tỉnh, thành chọn 3 - 5 giống chủ lực, 2 - 3 giống bổ sung và một vài giống lúa triển vọng để có thể thay thế khi gặp những điều kiện không thuận lợi đối với giống chủ lực. Giống mới đưa vào sản xuất cần được chọn lọc và trình diễn, thử nghiệm trước khi khuyến cáo cho nông dân. Các giống lúa chủ lực được khuyến cáo cho vụ Đông Xuân: OM 4498, OM 2717, OM 2517, AS 996, OM 6561, OM 2395, OM 6162, OM 6561, VND 95-20, OMCS 2000, OM 3536, Jasmine 85, OM 4900.

- Tăng cường sử dụng giống lúa xác nhận và cơ cấu một giống lúa không vượt quá 20% diện tích lúa trong phạm vi toàn tỉnh, thành; trường hợp đặc biệt giống có nhu cầu thị trường rộng, diện tích không vượt quá 30%. Các giống chủ lực có thể bố trí thành từng địa bàn sản xuất tập trung theo từng giống để thuận lợi cho việc thu mua, chế biến.

- Củng cố và tăng cường hệ thống nhân giống lúa xác nhận 1 và xác nhận 2 để đáp ứng nhu cầu giống cho vụ Hè Thu 2010; khuyến khích nông hộ, câu lạc bộ nhân giống sản xuất giống xác nhận 2.

3. Về phòng trừ dịch bệnh

- Rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá vẫn còn đe dọa sản xuất lúa ở Nam bộ, vì vậy luôn cảnh giác phòng trừ theo các biện pháp đã thực hiện thành công trong các năm qua, trong đó các biện pháp then chốt gồm: gieo sạ tập trung né rầy, sử dụng giống kháng, dự báo tốt tình hình rầy nâu qua hệ thống bẫy đèn thiết lập đến cấp huyện, giám sát chặt chẽ đồng ruộng, phun xịt thuốc BVTV theo "bốn đúng".

- Chú ý theo dõi bệnh đạo ôn trên lúa Đông Xuân và các dịch bệnh khác để phòng trừ kịp thời.

4. Các biện pháp khác

- Tăng cường thực hiện việc phổ biến sản xuất lúa theo hướng GAP, tập huấn nông dân ghi chép sổ tay sản xuất lúa, tập trung vào các giải pháp 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quản lý nước và tưới tiết kiệm, sử dụng phân bón hợp lý, cân đối.

- Đẩy mạnh thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, các biện pháp phơi sấy, tồn trữ phù hợp với từng vùng. Đây là một trong những khâu quan trọng trong giảm thất thoát, giảm chi phí thu hoạch và nâng cao phẩm chất lúa gạo.

- Tính toán giá thành sản xuất (20 ngày sau khi kết thúc xuống giống), dự báo sản lượng lúa chung và sản lượng cho từng giống chủ lực (40 ngày sau khi kết thúc xuống giống) để có cơ sở đề xuất giá thu mua lúa hợp lý bảo đảm lợi nhuận cho nông dân trong trường hợp thị trường có biến động bất lợi về giá cả.

- Kiên trì quy hoạch ở từng tỉnh, thành những vùng lúa sản xuất tập trung phục vụ xuất khẩu, mở rộng phương thức liên kết sản xuất - tiêu thụ.

Các Cục của Bộ: Trồng trọt; Bảo vệ thực vật; Thủy lợi; Chế biến, Thuơng mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối; Vụ Kế hoạch theo chức năng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành theo dõi sát tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa Đông Xuân 2009-2010, có giải pháp ứng phó kịp thời với các điều kiện khó khăn phát sinh.

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, phát triển mô hình sản xuất lúa theo GAP.
Nguồn http://www.omard.gov.vn/

Bệnh VL- LXL hại lúa tại miền Bắc: Bệnh do virut lùn sọc đen!







* Bộ NN- PTNT sẽ cung cấp đủ tiền để nghiên cứu tiếp

Sau một thời gian tiến hành xét nghiệm cẩn trọng và cho tái tạo

lại quá trình lây bệnh nhân tạo, hôm qua Viện BVTV,

Viện KHNN Việt Nam (Bộ NN-PTNT) đã cùng chính thức khẳng định:

Nguyên nhân gây bệnh VL – LXL trên lúa các tỉnh miền Bắc

là do một chủng virut mới gây bệnh lùn sọc đen trên lúa chứ không phải do virut VL - LXL.

Báo cáo kết quả nghiên cứu với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng,

ông Ngô Vĩnh Viễn, Viện trưởng Viện BVTV cho biết thời gian qua,

Viện này đã tiến hành lấy nhiều mẫu bệnh tại hầu hết các tỉnh ở miền Bắc

và tiến hành xét nghiệm cẩn trọng, thậm chí bằng cả các thiết bị hiển vi điện tử

(phương pháp phát hiện virut tiên tiến nhất hiện nay) ở cả

3 cơ sở xét nghiệm uy tín tại Pháp, Trung Quốc và Việt Nam.

Song tất cả kết quả xét nghiệm đều không phát hiện ra virut VL-LXL

tồn tại trên mẫu bệnh phẩm.

Song song với việc xét nghiệm tìm virut VL-LXL, Viện BVTV

cũng đã tiến hành tái tạo lại quá trình lây bệnh VL-LXL nhân tạo

khép kín với véctơ môi giới lây bệnh là rầy nâu nhưng đều không

có kết quả phản ứng. Trong khi đó, hầu hết các mẫu thử đều cho phản ứng

với véctơ môi giới của bệnh lùn sọc đen đó là rầy lưng trắng.

Đồng nhất quan điểm với ông Viễn, ông Nguyễn Văn Bộ - GĐ Viện KHNN

Việt Nam khẳng định các phương pháp tiến hành xét nghiệm và lây bệnh

nhân tạo đã được triển khai hết sức tỉ mỉ và cẩn trọng, có sự tham chiếu

và cập nhật thông tin công nghệ tiên tiến trên thế giới. Trong quá trình này,

Viện KHNN Việt Nam cùng Viện BVTV đã đặc biệt quan tâm đến tình hình

dịch bệnh trên lúa tại vùng biên giới phía nam Trung Quốc vì các đặc điểm của

bệnh tại các vùng này tương đồng với bệnh VL-LXL tại miền Bắc nước ta.

Về phương diện chẩn đoán bên ngoài, cả ông Ngô Vĩnh Viễn cùng

bà Phạm Thị Vượng (Phó Viện trưởng Viện BVTV) cùng thống nhất cho biết,

không chỉ có kết quả xét nghiệm và lây bệnh nhân tạo khép kín đều

không phát hiện ra virut VL-LXL mà các kết quả chẩn đoán bên ngoài

của bệnh cũng có thể khẳng định 100% bệnh là do virut lùn sọc đen phương nam

– một loại bệnh cũng đang xuất hiện tại Trung Quốc gây nên.

Kết luận này dựa trên các đặc điểm so sánh trên thân cây lúa

bị bệnh VL-LXL được Viện BVTV chụp ảnh và lấy mẫu tại tỉnh

Long An hồi cuối tháng 9 vừa qua và cây lúa bị bệnh tại

miền Bắc có sự khác biệt nhau.

Cây lúa bị VL-LXL tại miền Nam tuy bị lùn lụi và xoắn lá nhưng

thân cây vẫn cứng và trơn. Trong khi đó trên thân lúa bị

bệnh tại miền Bắc xuất hiện các nốt sáp sần sùi cùng các sọc đen điển hình.

Các cán bộ của Viện BVTV sau một thời gian phối hợp

nghiên cứu bệnh lùn sọc đen trên lúa tại Trung Quốc

đã cho biết các đặc điểm này của cây bệnh ở miền Bắc là

tương đồng với bệnh lùn sọc đen. Theo ông Viễn, cơ quan BVTV

của Trung Quốc hiện cũng đã có cảnh báo bệnh lùn sọc đen trên lúa

là cực kỳ nguy hiểm và có khả năng lây lan ra toàn bộ các quốc gia

trồng lúa tại Đông Nam Á nếu không có biện pháp phòng trừ.

Bà Phạm Thị Vượng lo ngại, việc phát hiện mới về bệnh VL – LXL tại miền Bắc không phải do virut VL-LXL gây ra đồng nghĩa với việc môi giới truyền bệnh sẽ không phải là rầy nâu mà là rầy lưng trắng. Đây là loại rầy tồn tại rất dai dẳng trên đất và khả năng lây bệnh cho lúa ở vụ chiêm xuân năm 2010 là hết sức nguy hiểm. Việc Bộ NN-PTNT hỗ trợ các địa phương thuốc chống rầy nâu vì vậy cũng sẽ trở nên vô nghĩa.

Ở một phương diện khác, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, mặc dù Viện BVTV khẳng định bệnh là do virut lùn sọc đen gây ra và không phát hiện ra virut VL – LXL nhưng những kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Elisa của Viện Lúa quốc tế (IRRI) đã từng được xác định trên lúa bị bệnh tại miền Bắc cũng cần phải đặc biệt lưu ý. Bởi IRRI là Viện nghiên cứu về lúa có bề dày trên 30 năm nhưng tại sao kết quả xét nghiệm Elisa của họ lại hoàn toàn trái ngược với Viện BVTV?

Về vấn đề này, ông Ngô Vĩnh Viễn cùng các cán bộ của Viện BVTV cho rằng phương pháp Elisa đã tồn tại từ năm 1985 đến nay và việc xác định virut bằng phương pháp này hiện nay đã quá cũ và chậm. Hơn nữa đến thời điểm này có thể nói kết quả của IRRI là không đủ căn cứ xác định về tác nhân gây bệnh khi họ chưa tiến hành quá trình lây bệnh nhân tạo. Lãnh đạo Viện KHNN, Viện BVTV kiến nghị với Thứ trưởng Bùi Bá Bổng tổ chức

một hội thảo cho mời các chuyên gia của IRRI, Pháp và Trung

Quốc sang để thảo luận, đánh giá và đưa ra kết luận chính thức về

chủng virut mới gây bệnh lùn sọc đen trên lúa tại miền Bắc.

Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho biết nếu Viện BVTV đã đủ các cơ sở khoa học kết luận về nguyên nhân gây bệnh là do virut lùn sọc đen thì có thể lập Hội đồng khoa học để bảo vệ kết luận này. Thứ trưởng cũng đã đồng tình với đề xuất của lãnh đạo các Viện KHNN, Viện BVTV và Cục BVTV cho lập một tổ Hợp tác nghiên cứu quốc tế gồm các chuyên gia của Việt Nam, IRRI, Trung Quốc và Pháp cùng phối hợp nghiên cứu để đưa ra kết luận cuối cùng trước khi trình kết luận chính thức với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát vào cuối năm nay.

“Bộ NN-PTNT sẽ cung cấp đủ tiền cho các đồng chí sang Trung Quốc và IRRI phối hợp tiếp tục nghiên cứu hoặc cho mời các chuyên gia của IRRI sang Việt Nam. Viện BVTV cử 3 chuyên gia, Cục BVTV cử 2 chuyên gia do Viện trưởng Ngô Vĩnh Viên làm tổ trưởng tổ nghiên cứu này” – Thứ trưởng Bùi Bá Bổng kết luận.

Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho biết nếu Viện BVTV đã đủ các cơ sở khoa học kết luận về nguyên nhân gây bệnh là do virut lùn sọc đen thì có thể lập Hội đồng khoa học để bảo vệ kết luận này. Thứ trưởng cũng đã đồng tình với đề xuất của lãnh đạo các Viện KHNN, Viện BVTV và Cục BVTV cho lập một tổ Hợp tác nghiên cứu quốc tế gồm các chuyên gia của Việt Nam, IRRI, Trung Quốc và Pháp cùng phối hợp nghiên cứu để đưa ra kết luận cuối cùng trước khi trình kết luận chính thức với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát vào cuối năm nay.

“Bộ NN-PTNT sẽ cung cấp đủ tiền cho các đồng chí sang Trung Quốc và IRRI phối hợp tiếp tục nghiên cứu hoặc cho mời các chuyên gia của IRRI sang Việt Nam. Viện BVTV cử 3 chuyên gia, Cục BVTV cử 2 chuyên gia do Viện trưởng Ngô Vĩnh Viên làm tổ trưởng tổ nghiên cứu này” – Thứ trưởng Bùi Bá Bổng kết luận.

Lê Bền (14/10/2009 10:27) Báo Nông nghiệp Việt Nam

Về cơ cấu giống lúa tại Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên





Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB) từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có vị trí giao thông thuận lợi trên trục Quốc lộ 1A. Là vùng có thế mạnh về sản xuất Nông lâm thủy hải sản, nhưng chủ yếu vẫn là trồng trọt. Theo số liệu Niên giám thống kê năm 2008, diện tích lúa gieo sạ 524,9 nghìn ha; năng suất trung bình 49,5 tạ/ha. Tây Nguyên, diện tích lúa gieo sạ 211,7 nghìn ha; năng suất trung bình 44,3 tạ/ha.

So với cả nước, vùng DHNTB và Tây Nguyên diện tích lúa chỉ chiếm 9,9% tổng diện tích gieo cấy lúa; sản lượng lúa hàng năm đạt 3.529,9 nghìn tấn. Với dân số như hiện nay trên 14 triệu người, thì bình quân lương thực (lúa) chỉ đạt 252 kg/người/năm. Như vậy, hiện nay việc sản xuất lúa gạo ở vùng DHNTB và Tây Nguyên là để giải quyết đời sống tại chỗ cho người dân, góp phần an ninh lương thực cho vùng và Quốc gia.

Thực trạng cơ cấu giống lúa đang sử dụng gieo trồng trong vùng chủ yếu vẫn là giống lúa hạt bầu, hạt dài trung bình; có chất lượng gạo và cơm trung bình; một số giống có chất lượng gạo và cơm có khá hơn nhưng không nhiều như các giống lúa thường Xi23, NX30, X21, IR17494 (13/2), Q5, ĐB6, TBR1, ĐV108, ĐH99-81, ĐH815-6, TH1, BM9855, BM9820, Khang dân 18, Khang dân đột biến, ML48, ML49, TH41, ML202, ML68, OMCS2000, IR64, VND19-20, LC93-1, LC93-4; các giống lúa lai như Nhị ưu 838, B-TE1, Nghi hương 2308, TN15…

Tuy vậy, phần lớn các giống lúa chủ lực hiện đang gieo trồng trong vùng là những giống có nguy cơ nhiễm sâu bệnh cao. Theo kết quả đánh giá sâu bệnh trên các giống lúa hiện đang sản xuất tại vùng DHNTB và Tây Nguyên trong 2 năm 2007-2008 của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia, đã phối hợp với Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long và Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đánh giá trong nhà lưới cho thấy các giống lúa nhiễm rầy nâu nặng như Ải 32 (cấp 9), ML48 (cấp 9), ML49 (cấp 9), BM9855 (cấp 9), BM9820 (cấp 9), KD 18 (cấp 9), HT1 (cấp 9); các giống nhiễm rầy nâu từ trung bình đến nặng gồm Xi23 (cấp 7-9), IR17494 (cấp 7- 9), Khang dân đột biến (cấp 7-9), VND19-20 (cấp 7), IR64 (cấp 7-9). Các giống nhiễm bệnh đạo ôn từ trung bình đến nặng IR17494 (cấp 7-9), ML48 (cấp 7-9), BM9855 (cấp 7-9), BM9820 (cấp 7-9), Ải 32 (cấp 7-9), KD 18 (cấp 7-9), Q5 (cấp 7-9), ĐH815-6 (cấp 7-9).

Trong thực tiễn sản xuất hiện nay sự bùng phát của dịch rầy nâu đã gây nên các bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa đang diễn ra phức tạp không chỉ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long mà đã lây lan ra các tỉnh Bắc bộ như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình và vùng Bắc Trung bộ như Nghệ An. Nếu các tỉnh DHNTB và Tây Nguyên không có biện pháp phòng tránh tốt thì nguy cơ bùng phát rầy nâu trên diện rộng đối với lúa trong vụ đông xuân 2009-2010 và hè thu 2010 dẫn đến xuất hiện bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá lúa ở các giống lúa nhiễm rầy là khó tránh khỏi.

Để khắc phục một phần những hạn chế về cơ cấu giống lúa hiện nay tại các tỉnh trong vùng xin được gợi ý một số giải pháp sau đây:

- Giải pháp tình thế trước mắt trong vụ sản xuất đông xuân 2009-2010 đó là:

+ Không gieo cấy các giống nhiễm rầy nâu và bệnh đạo ôn nặng: Ải 32, ML49;

+ Tiếp tục sử dụng các giống lúa có nhiều ưu điểm tốt, nhưng nhiễm rầy nâu trung bình; nhiễm đạo ôn từ cấp nhẹ đến trung bình để gieo cấy như NX30, Xi23, Khang dân đột biến, Q5, ĐV108, IR64, VND19-20, LC93-1, LC93-4, Nhị ưu 838, Nghi hương 2308, BTE-1. Khảo nghiệm sản xuất và sản xuất thử các các giống lúa mới có triển vọng ĐT34, BM207, PC10, HT6, ML203 (lúa thường); BIO404, QH5, TH3-3, Vân hương 7 (lúa lai). Chú ý cơ cấu mỗi giống lúa không vượt quá 10-15% tổng diện tích gieo cấy lúa;

+ Dùng giống lúa có cấp chất lượng tốt để gieo cấy (cấp nguyên chủng, xác nhận và hạt lai F1). Tuyệt đốI không được sử dụng thóc ăn để làm giống;

+ Thực hiện thâm canh lúa theo "3 giảm, 3 tăng" để góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất lúa trong vùng;

+ Phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc phòng là chính, khi cần sử dụng thuốc hóa học để trừ phải kịp thực hiện theo “4 đúng”: đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, đúng liều lượng; đồng thời tập trung công tác dự tính dự báo và các biện pháp phòng trừ kịp thời sâu bệnh trên lúa.

- Về giải pháp lâu dài:

+ Cần thu thập khảo nghiệm tại các tỉnh trong vùng các giống lúa mới có khả năng kháng rầy nâu, kháng bệnh bạc lá và đạo ôn từ các vùng miền trong nước và nước ngoài; ưu tiên các giống lúa chất lượng có nguồn gốc từ các tỉnh phía Nam;

+ Tập trung chọn tạo các giống lúa có khả năng kháng sâu bệnh tại vùng DHNTB và Tây Nguyên;

+ Tập trung sản xuất 2 vụ/năm nhằm cắt đứt nguồn ký chủ lây truyền sâu bệnh đồng ruộng; đồng thời làm đất phơi ải để diệt trừ tận gốc nguồn lây bệnh;

+ Luân canh cây lúa với cây bộ đậu (lạc, đậu tương), cây ngô và cây rau màu khác để hạn chế sâu bệnh và giúp cải tạo đất lúa;

+ Cần quy hoạch các vùng sản xuất lúa giống tập trung, nhất là sản xuất hạt lai F1 theo qui mô công nghiệp để chủ động nguồn giống phục vụ sản xuất trong vùng.

TS Lê Quý Tường (09/10/2009 10:58) Báo Nông nghiệp Việt Nam

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2009

Lạ với cách VFA điều hành xuất khẩu gạo


Cập nhật lúc : 8:50 AM, 08/10/2009
Trước thông tin cho rằng hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) bán phá giá gạo xuất khẩu, có “sân sau”…, hôm qua, VFA chính thức có phản hồi.

>> Gạo Việt Nam tụt hạng
>> Xuất khẩu lúa sẽ tránh được kiểu... đi vòng

Cụ thể, thông tin trước đó cho biết trong khi mức giá sàn do VFA quy định là 430 USD/tấn thì đầu tháng 8, Công ty Lương thực Trà Vinh đã xuất 20.000 tấn gạo 5% tấm đi Singapore với giá 400 USD/tấn. Cuối tháng 8, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) đã bán 5.000 tấn gạo 5% tấm cho một đối tác ở châu Phi với giá 406 USD/tấn. Những hợp đồng này đều được VFA thông qua.

Giá sàn: công bố chỉ để tham khảo?

Lý giải về sự chênh lệch giá giữa các hợp đồng xuất khẩu mà VFA ký với mức giá sàn công bố, ông Nguyễn Thọ Trí cho biết, do thiếu nhân lực, nên website của VFA không cập nhập giá mới thường xuyên, “vì vậy không thể dùng giá trên website để đối chiếu với giá trong hợp đồng xuất khẩu”. Còn giá sàn thực tế trong điều hành của hiệp hội luôn linh hoạt và thay đổi liên tục tùy theo thị trường. “Không thể lấy mức sàn 430USD/tấn hồi đầu năm để kết luận VFA bán phá giá”, ông Trí nói. Ông cũng giải thích thêm, từ đầu năm tới nay, VFA có rất nhiều văn bản điều chỉnh mức giá sàn (ít nhất là ba lần điều chỉnh), mức giá sàn 400 USD mới được đưa ra từ đầu tháng 8 và duy trì đến nay .

Theo VFA, thì ngày 11/5, giá sàn của Hiệp hội đưa ra là 410USD (gạo 5% tấm), và mức thấp nhất là 380 USD/tấn (gạo 25%), mức giá được giữ đến ngày 11/6. Nhưng đến tháng 7, mức giá sàn được điều chỉnh lên lần lượt là 430USD/tấn và 400 USD/tấn (gạo 5% tấm và 25% tấm) sau đó lại được điều chỉnh xuống mức 400 USD/tấn vào đầu tháng 8. VFA còn cho biết, đây là sự linh hoạt trong việc điều hành xuất khẩu. Giống như hiện tại, giá sàn là 400 USD/tấn, nhưng mới đây đã có doanh nghiệp ký được hợp đồng xuất khẩu 100.000 tấn gạo với giá 406 USD/tấn.

VFA cho rằng, giá gạo Việt Nam xuất khẩu thấp nhất thế giới có nguyên nhân do doanh nghiệp bán dưới giá sàn.

Tuy nhiên, lời giải thích của Phó Chủ tịch VFA xem ra thiếu thuyết phục. Bởi nếu vậy, việc công bố giá sàn của cơ quan này không lẽ chỉ để tham khảo? Hơn thế, mới đây, khi trao đổi với Đất Việt, cũng chính vị lãnh đạo này nhận định nguyên nhân khiến cho giá gạo Việt Nam xuất khẩu bị tụt xuống mức thấp nhất thế giới là bởi các doanh nghiệp trong nước thường lén chào giá thấp hơn mức giá sàn quy định, khiến các nhà nhập khẩu lấy chính những bảng báo giá đó tạo sức ép lên những doanh nghiệp khác trong hiệp hội. VFA cũng hơn một lần khẳng định, sẽ kiểm tra, cương quyết xử lý doanh nghiệp vi phạm.

Khó điều hành xuất khẩu gạo đúng tiêu chí

Vừa qua, cũng có một số ý kiến nghi ngại về việc VFA không xuất trực tiếp cho doanh nghiệp nước ngoài mà lại qua một công ty Sagon Food có trụ sở tại Singapore, mà theo tài liệu của Cục đăng bạ Singapore thì doanh nghiệp mang tên này chỉ đăng ký với số vốn một USD. Ông Trí khẳng định, Saigon Food là do Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood II) đầu tư xây dựng theo chủ trương chiến lược phát triển của Chính phủ, thuộc đề án phát triển Tổng công ty. Sagon Food là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với số vốn đầu tư là 800.000 đô-la Singapore, tương đương với 625.000 USD (khoảng 10 tỷ đồng).

“Chúng tôi chưa nhận được những giấy tờ cho thấy đây là “công ty một USD”, ông Trí nói và cho rằng, nếu một công ty chỉ có môt USD là công ty lừa đảo vì không đủ tiềm năng kinh tế. Còn lý do có Saigon Food ở Singapore, theo ông Trí là đặt công ty này ở đó giao dịch sẽ có lợi thế hơn so với điều hành ở Việt Nam, và lợi ích của doanh nghiệp này gắn bó chặt với Vietfood II...

Ông Nguyễn Thọ Trí chia sẻ, khó nhất trong việc điều hành xuất khẩu hiện nay là điều tiết theo đúng các tiêu chí xuất khẩu gạo. Vì theo sự chỉ đạo của Chính phủ, việc xuất khẩu phải đảm bảo an ninh lương thực, người trồng lúa, doanh nghiệp xuất khẩu có lời và không để chỉ số tiêu dùng trong nước tăng. “Lợi ích nông dân càng cao càng tốt, nhưng nếu cao quá lại ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng…”, ông Trí phân tích.

Khó cân bằng là vậy, nhưng đáng ngạc nhiên là, toàn bộ việc điều hành xuất khẩu gạo từ khi có VFA đến nay vẫn được thực hiện… qua điện thoại, trong khi đó từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.000 hợp đồng xuất khẩu gạo đã được ký.

Đăng Thư (báo Đất Việt)

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

Lãnh đạo VFA bán phá giá gạo?

Lãnh đạo VFA bán phá giá gạo?
Thứ Ba, 06/10/2009 --- cập nhật 09:46 GMT+7


Trong khi một số vị lãnh đạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) không ngớt lời tố cáo các DN "bán phá giá" thì các công ty trực thuộc họ lại liên tục bán dưới giá sàn VFA quy định.

Sự thật về "Công ty 1 đôla"!

Một công ty được thành lập ở Singapore để mua gạo giá rẻ từ Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vina Food 2) và bán lại cho các đối tác nhập khẩu. Theo hồ sơ chúng tôi thu thập được, ngày 12-2- 2009, một công ty mang tên Saigon Food (Pte. Ltd.) được thành lập ở Singapore, trụ sở đặt tại tòa tháp số 4 - khu thương mại Suntec. Ngành nghề đăng ký gồm: Kinh doanh thực phẩm, nông thủy sản, thiết bị và nguyên liệu dạng thô, cung cấp các dịch vụ vận tải…
Đáng chú ý là vốn pháp định đăng ký của công ty "đa ngành nghề" này chỉ là 1 đôla Singapore (!). Đại diện công ty này là bà Cao Thị Ngọc Hoa (Quốc tịch Việt Nam, địa chỉ số 200, Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, quận 3, TP.Hồ Chí Minh), giữ chức danh Giám đốc. Đồng lãnh đạo còn có một nhân vật trong ngành xuất khẩu ở Trà Vinh (đồng Giám đốc) và 3 cá nhân là người Singapore. Điều đáng chú ý, trong phần thông tin cổ đông sở hữu (Shareholder) đăng ký với cơ quan chức năng nước sở tại, đơn vị đại diện nguồn vốn 1 đôla này chính là Vina Food 2, nhưng "núp bóng" với cái tên tiếng Anh: Vietnam Southern Food Corporation. "Cụ thể" hơn, những nhân vật thành lập Saigon Food còn ghi luôn địa chỉ "ông cổ đông" duy nhất ấy tại: Số 42, Chu Mạnh Trinh, quận 1, TP.Hồ Chí Minh (đúng địa chỉ Vina Food 2 - PV)!

Các tờ khai bán gạo của Vina Food 2 cho Công ty Saigon Food.

Ngày 5-10, thông qua một đồng nghiệp đang công tác tại Singapore, chúng tôi đã nhờ tiếp cận và liên lạc trực tiếp nhiều lần với Công ty Saigon Food nhưng suốt ngày hôm qua không có ai bắt máy điện thoại (?). Một nguồn tin trong giới kinh doanh của khu Suntec Tower cho biết, từ khi thành lập đến nay, công ty này chuyên làm nhiệm vụ nhập khẩu gạo từ Việt Nam với giá thấp, sau đó bán lại cho các đối tác nước ngoài để hưởng chênh lệch. Trong tất cả các hợp đồng mua bán của công ty này, Vina Food 2 chính là đơn vị đã ký xuất hàng chục ngàn tấn gạo 5% tấm với giá thấp để Saigon Food nghiễm nhiên hưởng lợi.

Kẻ phá giá là ai?

Để làm sáng tỏ nghi vấn này, phóng viên NTNN đã tiếp cận tờ khai hải quan mới đây (ngày 26-8-2009), do đích thân ông Trương Thanh Phong Giám đốc Vina Food 2 kiêm Chủ tịch VFA ký, đóng dấu. Tờ khai này thể hiện: Vina Food 2 bán cho Công ty Saigon Food lô hàng 5.000 tấn gạo 5% tấm với giá 406USD/ tấn. Trong khi đó, tại website của VFA, "giá sàn" loại gạo 5% tấm nói trên (do chính ông Phong với tư cách là Chủ tịch VFA ấn định) vẫn "ràng buộc" ở mức 430USD/ tấn (!). Số hàng trị giá hơn 2 triệu USD này ngay ngày hôm sau (tức 27-8-2009) đã thông quan tại cảng Bến Nghé (TP.Hồ Chí Minh), nhưng không phải chuyển về Singapore mà giao cho Togo - một quốc gia ở tận… châu Phi! Một nhà phân tích kinh tế khẳng định: "Đây mới thực sự là hành vi bán phá giá. Nếu nói rõ hơn, đó là hành vi lập công ty “sân sau” để trục lợi bất chính, ăn trên lưng nông dân…!".
Tòa tháp số 4 - khu thương mại Suntec ở Singapore nơi Saigon Food đặt trụ sở.

Theo điều tra của phóng viên NTNN, hiện ngay trong nước đang xuất hiện một số công ty theo kiểu "sân sau" của VFA và Vina Food 2. Điển hình là Công ty Lương thực Trà Vinh (đơn vị trực thuộc Vina Food 2) do ông Nguyễn Thọ Trí làm Giám đốc. Xin nhắc ông Trí là nhân vật "nổi cộm" trong thời gian qua trên các mặt báo. Vì vừa được giới thiệu chức Phó Chủ tịch VFA chưa bao lâu, ông này liền "năm lần bảy lượt" tuyên bố với báo giới là sẽ "công khai xử lý" các DN của ĐBSCL vi phạm quy chế, bán phá giá gạo… (?). Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là vào ngày 5-8-2009, "Công ty nhà" nói trên của ông lại ngang nhiên ký xuất lô hàng khoảng 20.000 tấn gạo 5% tấm cho một đối tác Singapore với giá 400USD/tấn. Trong khi đó, ngay tại thời điểm nói trên, "giá sàn" mà VFA "ràng buộc" các DN khác cho loại gạo 5% tấm (lúa hè thu) đang là 430USD/tấn.

Một nguồn tin từ các DN xuất khẩu cho biết, lô 20.000 tấn gạo mà Công ty Lương thực Trà Vinh đã xuất nói trên chính là loại gạo đông xuân (vụ 2008-2009 tồn lại). Loại gạo này có chất lượng cao nhất nên thời giá giao dịch quốc tế cũng phải từ 450 - 460USD/ tấn. Với lô hàng này Công ty sân sau của ông Trí đã bán dưới giá thị trường, "phá giá" và gây tổn thất trên 1 triệu USD. Dĩ nhiên, thiệt hại đó chỉ được nhìn thấy khi xem xét ở thời giá (giá gạo giao dịch quốc tế) và người lãnh đủ là nông dân làm ra nó chứ không phải DN xuất khẩu do ông Trí điều hành.

Ngồi mát hưởng bát vàng

Trong quá trình điều tra, chúng tôi nhận được thông tin phản hồi từ nhiều DN ở các tỉnh ĐBSCL: Thời gian gần đây có nhiều DN nhỏ, thực chất không đủ năng lực xuất khẩu, không đủ điều kiện kho bãi, chưa từng ký hợp đồng xuất trên 10.000 tấn (điều kiện bắt buộc - PV) vẫn được lần lượt kết nạp vào VFA và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị. Nhiều DN này ngang nhiên được "chia ủy thác" 20% số gạo mà các DN chân chính khác ký được với đối tác và hưởng lợi nhàn nhã. Thậm chí, sau 3 lần có chủ trương thu mua tạm trữ lúa hè thu, nhiều DN không đủ kho bãi, hoặc kho đã đầy ắp… vẫn được VFA phân bổ chỉ tiêu thu mua để nhận nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất. Một giám đốc DN đề xuất: "Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội nên vào cuộc điều tra, làm rõ việc này. Vì nếu để kéo dài tình trạng đó là lãng phí nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ.
Theo Nông Thôn Ngày Nay
Viết bình luận cho bài viết này

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG SẮP XẾP MÙA VỤ SẢN XUẤT LÚA CÁC TỈNH ĐBSCL VÀ ĐNB

THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG

SẮP XẾP MÙA VỤ SẢN XUẤT LÚA CÁC TỈNH ĐBSCL VÀ ĐNB

I Thực trạng mùa vụ sản xuất lúa tại ĐBSCL và ĐNB năm 2007

1. Thực trạng mùa vụ Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long với 6 tiểu vùng sinh thái là Đồng Tháp Mười; Tứ giác Long Xuyên; Phù sa giữa sông Tiền, sông Hậu; Tây sông Hậu; Ven biển Nam bộ và Bán đảo Cà Mau. Từng tiểu vùng có điều kiện tự nhiên về đất đai, thời tiết, khí tượng thủy văn, hệ canh tác, kỹ thuật, tập quán canh tác… khác nhau do vậy mùa vụ canh tác lúa cũng mang tính đặc thù của từng tiểu vùng.

Sản xuất lúa tại ĐBSCL còn chịu ảnh hưởng rất lớn của đặc điểm thời tiết, khí hậu Nam bộ, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 (tập trung vào giữa vụ Hè Thu và trong vụ Thu Đông), mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau (cuối vụ Mùa và vụ Đông Xuân) gây hiện tượng thừa, thiếu nước trong từng vụ.

Ngoài ra còn có một mùa lũ từ sông Mê Kông bắt đầu từ tháng 7, 8 và đỉnh cao vào tháng 9, 10 hàng năm ảnh hưởng đến một vùng sản xuất lúa rộng lớn.

Các tỉnh ven biển còn chịu ảnh hưởng của sự xâm nhập mặn bắt đầu vào khoảng nửa cuối tháng 12 đầu tháng 1 năm sau và kết thúc vào cuối tháng 4 khi bắt đầu mùa mưa.

Việc xuống giống lúa của một số tỉnh nam quốc lộ 1 và một phần bắc quốc lộ 1 còn chịu ảnh hưỏng của chế độ bán nhật triều biển Đông phải xuống giống vào chỉ 2 đợt trong tháng theo lịch triều cường (nước kém xuống giống để nước lớn đưa nước vào ruộng).

Trong từng vùng sản xuất nhỏ của từng địa phương, địa hình đất đai không đồng đều có nơi cao, nơi thấp, vùng triền trũng đan xen, các thành phần đất khác nhau, nhiễm phèn nhẹ, trung bình, đến nhiễm nặng, đất xám, đất thịt, đất pha cát… Nên việc xuống giống cũng tuân theo địa hình này.

Tất cả những yếu tố này làm cho thời vụ xuống giống, chăm sóc và thu hoạch lúa rất nghiêm ngặt trong từng vùng, từng vụ lúa. Tuy vậy, dù đã cố gắng sắp xếp thời vụ cho phù hợp nhưng hàng năm vẫn còn có một phần diện tích bị thiệt hại do những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết gây ra.

Thời vụ lúa mang tính đặc thù của từng địa phương, từng vùng sản xuất nhỏ nên hầu hết các tỉnh đều chia diện tích sản xuất lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp của tỉnh nói chung ra làm nhiều tiểu vùng sinh thái khác nhau từ đó bố trí cây trồng và cơ cấu mùa vụ cho phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái trong địa phương.

Thời vụ lúa hiện nay, nhìn chung chịu ảnh hưởng rất lớn từ đặc điểm của những tiểu vùng sinh thái, từ sự chủ động nguồn nước ở các hệ thống kênh mương thủy lợi hoặc từ nguồn nước trời, từ sự đầu tư cho sản xuất của từng hộ gia đình và những tác động vào cơ sở hạ tầng của nhà nước như hệ thống giao thông, đê bao, thủy lợi…

Trong nhiều năm qua, do điều kiện tự nhiên, ưu thế của từng vùng và do sự phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương mà hình thành cơ cấu cây trồng và thời vụ lúa khác nhau trong năm. Hệ thống mùa vụ lúa của các tỉnh ĐBSCL đã trở nên rất phức tạp, theo thống kê từ các Sở NN & PTNT, năm 2007 thời vụ lúa như sau:

1.1 Vụ Đông Xuân 2006 – 2007, diện tích: 1.502.504 ha

+ Xuống giống trong tháng 10 đến 15/11: 244.623 ha

(Riêng xuống giống từ 1/8 đến 30/10: 89.176 ha)

Gồm các địa phương: Vùng Nam Long An và huyện Đức Huệ (Long An), Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành (Tiền Giang), Trà Ôn, Vũng Liêm (Vĩnh Long), Chợ Lách, Châu Thành (Bến Tre), Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành (Kiên Giang), Cái Răng, Thốt Nốt (Cần Thơ), Phụng Hiệp, Ngã Bảy, Long Mỹ (Hậu Giang), Mỹ Tú, Kế Sách, Thạnh Trị, Ngã Năm (Sóc Trăng), Hồng Dân (Bạc Liêu).

+ Xuống giống từ 25/11 đến 05/01/2007: 1.196.720 ha

Hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

+ Xuống giống từ 5/01 đến 30/01/2007: 63.151 ha

Gồm các địa phương: TP Mỹ Tho, Chợ Gạo, TX Gò Công (Tiền Giang), Châu Thành, Mõ Cày, Giồng Trôm (Bến Tre), Kiên Lương, Hòn Đất, TP Rạch Giá, Châu Thành (Kiên Giang), Cầu Kè, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (Trà Vinh)

1.2 Vụ Hè Thu 2007, diện tích: 1.543.204 ha

+ Xuống giống từ 4/01 đến 10/4: 156.567 ha

Gồm các địa phương: Thủ Thừa ( Long An), Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành (Tiền Giang), Châu Thành, Mõ Cày (Bến Tre), Châu Thành, Gò Quao (Kiên Giang), Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt (Cần Thơ), Trà Ôn, Vũng Liêm (Vĩnh Long), TP Sóc Trăng, Ngã Năm, Long Phú (Sóc Trăng), 1 phần Hậu Giang, 1 phần Trà Vinh.

+ Xuống giống từ 20/4 đến 10/6: 1.258.431 ha

Hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

+ Xuống giống từ 15/6 đến 30/6 128.206 ha

Gồm các địa phương: Rãi rác các huyện của tỉnh Sóc Trăng, Cái bè, Cai Lậy, Châu thành, Giồng Trôm, Ba Tri (Bến Tre)

1.3 Vụ Thu Đông 2007, diện tích ước 340.000 ha

+ Xuống giống trong tháng 6: 76.000 ha

Gồm các địa phương: Trà Ôn, Vũng Liêm, Bình Minh (Vĩnh Long)

+ Xuống giống trong tháng 7-8: 220.000 ha

+ Xuống giống trong tháng 9: ước 55.000 ha

1.4 Vụ Mùa, diện tích ước 360.00 ha

+ Mạ mùa trong tháng 6: 10.000 ha

+ Xuống giống (Cấy, Sạ) trong tháng 7-8: 250.000 ha

+ Xuống giống trong tháng 9: 100.000 ha

1.5 Tổng hợp chung

+ Đông Xuân: xuống giống từ: 01/10 đến 30/01.

Tổng thời gian xuống giống là 120 ngày.

+ Hè Thu: xuống giống từ: 04/01 đến 30/06.

Tổng thời gian xuống giống là 175 ngày

+ Thu Đông: xuống giống từ: 15/6 đến 30/9

Tổng thời gian xuống giống là 105 ngày

+ Mùa: xuống giống từ: 15/6 đến 30/9 (kể cả thời gian mạ, sạ)

Tổng thời gian xuống giống là 105 ngày

2. Thực trạng mùa vụ Đông Nam Bộ

2.1 Vụ Đông Xuân 2006 – 2007, diện tích 97.017 ha

+ Xuống giống trong tháng 10: 2.349 ha

+ Xuống giống từ 1/11 đến 25/12: 16.410 ha + Xuống giống từ 25/12 đến 05/01 năm sau: 49.630 ha

+ Xuống giống từ 05/01 đến 30/1: 28.588 ha

2.2 Vụ Hè Thu, diện tích 124.103 ha

+ Xuống giống trong tháng 3: 10.700 ha

+ Xuống giống từ 20/4 đến 10/5: 7.979 ha

+ Xuống giống từ 20/5 đến 10/6: 78.522 ha

+ Xuống giống từ 15/6 đến 5/7: 26.911 ha

2.3 Vụ Mùa, diện tích ước 220.000 ha

+ Mạ mùa trong tháng 6 1.500 ha

+ Xuống giống trong tháng 7-8 150.000 ha

+ Xuống giống trong tháng 9 50.000 ha

1.5 Tổng hợp chung:

+ Đông Xuân: xuống giống từ: 15/10 đến 30/01.

Tổng thời gian xuống giống là 105 ngày.

+ Hè Thu: xuống giống từ: 15/3 đến 05/7.

Tổng thời gian xuống giống là 110 ngày

+ Mùa: xuống giống từ: 15/6 đến 30/9 (kể cả thời gian mạ, sạ)

Tổng thời gian xuống giống là 105 ngày

( Xem sơ đồ sự liên kết mùa vụ lúa)

3. Những vấn đề đặt ra cho Đồng bằng sông Cửu Long

+ Tổng thời gian xuống giống của một vụ lúa quá dài:

- Vụ Hè Thu có thời gian xuống giống là 175 ngày, thật ra mùa vụ này nối tiếp từ vụ Xuân Hè (Hè Thu sớm) xuống giống trong các tháng 1, 2, 3 diện tích hàng năm khoảng 300.000 ha, riêng năm 2007 do xuống giống tập trung và gom vụ nên giảm xuống còn khoảng 150.000 ha, khoảng 150.000 ha còn lại đã xuống giống vào Hè Thu chính vụ.

- Vụ Đông Xuân có thời gian xuống giống 120 ngày, Diện tích xuống giống trong tháng 10, đầu tháng 11 khoảng 245.000 ha và trong tháng 01 khoảng 65.000 ha.

- Vụ Thu Đông và Vụ Mùa trùng lấp về thời gian xuống giống, đây là vụ lúa phức tạp nhất trong năm. Nhiều địa phương gọi là vụ Mùa, xuống giống cả lúa mùa địa phương, lúa trung mùa và lúa ngắn ngày (100 ngày) gọi chung là vụ mùa, vụ lúa này có nơi là vùng sản xuất 3 vụ trong năm (Vụ 3), có nơi là vùng sản xuất lúa – Tôm sú (lúa – tôm), có nơi sản xuất trên nền đất Hè Thu (vùng sản xuất 2 vụ)… Vì vậy việc thống kê và chia mùa vụ chưa được thống nhất giữa các địa phương.

+ Sự liên tiếp của mùa vụ, gối vụ:

- Nhìn vào thời vụ và tổng thời gian xuống giống của từng vụ thì Đồng bằng sông Cửu Long tháng nào trong năm cũng có xuống giống và thu hoạch lúa. Vụ lúa trước chưa xuống giống dứt điểm thì vụ lúa sau đã xuống giống tiếp theo, ngay cả trong một vụ khi chưa xuống giống dứt điểm thì đã có thu hoạch lúa của vụ đó.

- Trong từng vụ việc xuống giống sớm hơn hay muộn hơn thời vụ chính khoảng 300.000 ha là vấn đề cần thiết quan tâm.

- Trong cùng một vụ lúa luôn có những trà lúa lúa với thời gian sinh trưởng khác nhau dễ làm cầu nối cho các loại dịch hại tấn công.

+ Đặc điểm của thời gian chuyển tiếp giữa 2 vụ lúa:

- Vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm không có thời gian giãn cách đủ dài để làm đất và vệ sinh đồng ruộng nhất là thời gian từ vụ Hè Thu sang Thu Đông và từ vụ Thu Đông sang Đông xuân. Điều này dễ dẫn đến những ảnh hưởng bất lợi trong giai đoạn đầu của cây lúa.

- Vùng sản xuất 2 vụ, có thời gian đủ dài để cải tạo đồng ruộng nhưng trong những năm gần đây khâu làm đất ít được quan tâm.

+ Đặc điểm của một số vùng sản xuất đặc thù:

- Một số vùng sản xuất 2 vụ lúa, một vụ màu, hoặc 2 vụ màu một vụ lúa, vùng sản xuất luân canh lúa tôm… Mùa vụ lúa thường không thống nhất với mùa vụ chung.

- Một số vùng gặp khó khăn về nước tưới đầu vụ Hè Thu hoặc hoàn toàn bị ảnh hưởng lũ vào cuối vụ Thu Đông nên thời gian xuống giống tùy thuộc cả vào thời điểm mưa và thời điểm lũ.

4. Nguyên nhân

- Sự hình thành mùa vụ như hiện nay tại Đồng bằng sông Cửu Long là do trong một thời gian dài thời vụ sản xuất lúa không được quan tâm đúng mức. Một phần do nông dân tự phát, một phần do kênh mương, thủy lợi và hệ thống thủy lợi nội đồng trong nhiều năm đã bị xuống cấp…

- Có nhiều hệ thống canh tác khác nhau đưa vào sản xuất và thiếu sự quy hoạch đồng bộ cho từng vùng, từng khu vực.

- Nhiều giống lúa ngắn ngày cho năng suất cao, giá lúa có lãi thúc đẩy nông dân gia tăng diện tích gieo trồng/năm.

- Trong thời gian dài không có những dịch hại gây ra trên diện rộng như rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá như trong thời gian vừa qua nên chưa nâng cao cảnh giác về sự lây lan do yếu tố thời vụ.

-Việc cơ giới hóa trong các khâu sản xuất lúa còn kém nên việc tập trung mùa vụ gây khó khăn cho công tác phục vụ sản xuất.

II. Định hướng sắp xếp mùa vụ năm 2008 và những năm tới

1. Sự cần thiết – cơ sở sắp xếp mùa vụ - thuận lợi, khó khăn

+ Thời vụ tập trung sẽ hạn chế sự lây lan của dịch hại, chủ động trong chỉ đạo sản xuất lúa của địa phương và nông dân ít tốn các chi phí cả về phòng trừ dịch hại, làm đất, tưới tiêu như hiện nay

+ Thời gian dãn cách, cơ giới hóa khâu làm đất, vệ sinh, cải tạo đồng ruộng đã từng được áp dụng trong thời gian dài khoảng thập kỹ 80 của thế kỹ trước và đã mang lại nhiều hiệu quả đáng kể.

+ Việc sắp xếp lại mùa vụ dựa vào điều kiện tự nhiên của các vùng sinh thái, hiện trạng thủy lợi và những định hướng cho sự phát triển trồng lúa bền vững và hiệu quả.

+ Hạn chế những bất lợi của thời tiết, khí tượng thủy văn, dịch hại… khi bố trí thời vụ không phù hợp.

2. Nguyên tắc

+ Tập trung, đồng loạt từng vùng, từng cánh đồng

+ Thời gian giãn cách giữa hai vụ lúa tối thiểu 3 tuần cho vùng 3 vụ lúa/năm.

3. Đề nghị khung thời vụ chung

3.1 Cơ sở đề nghị khung thời vụ

a. Dựa vào tình hình phát sinh, phát triển của các loại dịch hại nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trong những vụ gần đây. Cần thiết phải cách vụ, giãn vụ, gom vụ để cách ly vòng đời, giảm mật số rầy, hạn chế dịch bệnh.

b. Tùy theo cơ cấu mùa vụ của từng vùng sản xuất. Ví dụ: cơ cấu 2 vụ lúa: ĐX – HT, cơ cấu 3 vụ lúa: ĐX – HT – TĐ hoặc cơ cấu ĐX – HT – Màu ... Xác định thời vụ của vụ trước sẽ liên quan đến thời vụ của vụ sau (Cơ cấu 2 vụ lúa chủ động lịch thời vụ hơn cơ cấu 3 vụ).

c. Căn cứ vào điều kiện thời tiết, khí tượng, thủy văn… Những vùng chịu ảnh hưởng và không chịu ảnh hưởng của ngập lũ, những vùng sản xuất theo nước mưa, những vùng ảnh hưởng của thủy triều biển Đông, những vùng có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, chủ động tưới tiêu… (Vùng chủ động nước sẽ bố trí lịch thời vụ theo ý muốn, vùng không chủ động nước bố trí theo việc thoát lũ, nước mưa, thủy triều…).

d. Dựa vào đặc điểm đất đai của từng vùng, đất phèn, đất nhiễm mặn, đất gò cao, triền, trũng… (đất gò cao xuống giống sớm hơn đất triền, trũng trong vụ Đông Xuân nhưng xuống giống muộn hơn trong vụ Hè Thu. Đất nhiễm phèn, mặn phải có thời gian rửa phèn mặn trước khi xuống giống).

e. Dựa vào tập quán canh tác và mùa vụ truyền thống của từng vùng có sự điều chỉnh cho phù hợp (phương pháp làm đất: có làm đất hay không, phơi ải hay ngâm rũ, ... ảnh hưởng đến thời gian xuống giống).

f. Vấn đề lao động theo mùa vụ, tính chất cơ giới hóa trong sản xuất là tiêu chí cần quan tâm trong việc bố trí thời vụ.

g. Giá cả thu mua lúa vào các thời điểm khác nhau sẽ tác động đến việc bố trí cơ cấu thời vụ (ví dụ: lúa ĐX thu hoạch trước Tết nguyên đán sẽ có giá cao hơn lúa thu hoạch sau Tết dẫn đến việc gieo sạ ĐX sớm – tháng 10 dl).

3.2 Khung thời vụ chung cho năm 2008

3.2.1 Đồng bằng sông Cửu Long

a.Vùng 2 vụ lúa

+ Vụ Đông Xuân – Hè Thu

- Đông Xuân: từ 1/11 đến 30/12

- Vụ Hè Thu: từ 1/5 đến 30/6

+ Vụ Hè Thu – Mùa

- Vụ Hè Thu: từ 15/4 đến 15/5

- Vụ Mùa:

Mùa (Giống địa phương): mạ tháng 7, cấy tháng 8, 9

Mùa (Giống cao sản): xuống giống 15/8 đế 15/9

b. Vùng 3 vụ lúa: Đông Xuân – Hè Thu – Thu Đông

- Vụ Đông Xuân: từ 10/11 đến 30/12

- Vụ Hè Thu: từ 15/4 đến 15/5

- Vụ Thu Đông: từ 20/7 đến 20/9

c. Một số vùng sản xuất đặc thù: lúa – tôm sú; lúa + thủy sản; lúa màu; lúa mùa một vụ…

- Nguyên tắc chung của những vùng sản xuất này là lấy mùa vụ lúa làm vụ chính, các vụ màu bố trí theo canh tác lúa.

- Vùng lúa – tôm sú thì sản xuất lúa trùng với vụ mùa, tuy nhiên cần quan tâm dến việc sử dụng giống cho phù hợp.

3.2.2 Đông Nam Bộ

+ Vụ Đông Xuân – Hè Thu:

- Vụ Đông Xuân: từ 1/12 đến 20/1

- Vụ Hè Thu: từ 1/5 đến 20/6

+ Vụ Hè Thu – Mùa:

- Vụ Hè Thu: xuống giống từ 5/5 đến 20/6

- Vụ Mùa:

Đối với giống lúa mùa địa phương trên chân đất 1 vụ: xuống giống trong tháng 6-7 hoặc làm mạ tháng 6-7 cấy trong tháng 7-8.

Đối với giống trung mùa hoặc cao sản ngắn ngày trên chân đất Hè Thu: xuống giống trong tháng 8 chậm nhất là tháng 9, canh thời gian trổ cùng lúc với lúa mùa.

III. Đề nghị thời vụ và cơ cấu giống cho vụ Đông Xuân 2007 – 2008.

1 Thời vụ

1.1. Đồng bằng sông Cửu Long

Khung thời vụ chung theo các vùng sinh thái

Tiểu vùng

Địa hình

Thời vụ ĐX

2006-2007 (dương lịch)

1. Vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền và sông Hậu

Gò cao

1/11 – 20/11

Trũng

15/11/ - 15/12

2. Vùng Tây sông Hậu

Gò cao

15/11 - 30/11

Trũng

1/12 - 25/12

3. Tứ giác Long Xuyên

Gò cao

20/11 - 30/11

Trũng

28/11 - 5/01

4. Vùng Đồng Tháp Mười

Gò cao

20/11 - 30/11

Trũng

28/11 - 5/01

5. Vùng bán đảo Cà Mau

Gò cao

1/12 - 15/12

Trũng

15/12 - 30/12

6. Vùng ven biển Nam Bộ

Gò cao

1/11 - 15/11

Trũng

15/11 - 15/12

1.2. Đông Nam Bộ

Khung thời vụ chung Xuống giống từ 1/11 đến 15/01

IV. Một số giải pháp hỗ trợ cho việc sắp xếp lại mùa vụ

1. Thủy lợi:

- Thủy lợi là yếu tố quyết định cho việc bố trí thời vụ lúa, tùy theo tình hình thực tế của địa phương mà việc bố trí thời vụ tuân theo quy luật tự nhiên và hệ thống kinh mương thủy lợi. Thủy lợi cần đảm bảo các yêu cầu đủ nước tưới trong đầu vụ Hè Thu, tiêu nước tốt trong vụ Đông Xuân và không bị ngập úng trong vụ Thu Đông. Trong thực tế chưa có nhiều vùng sản xuất đáp ứng các yêu cầu này nên cần cũng cố và khai thác, điều tiết một cách hợp ly các công trình thủy lợi, có kế hoạch tu sửa, nâng cấp thủy lợi nội đồng cho từng vùng thì mới đáp ứng được nhu cầu chủ động bố trí thời vụ lúa.

- Trong từng vùng sinh thái các yếu tố thủy lợi đáp ứng cho những mục tiêu khác nhau vì vậy việc quy hoạch và khai thác cho từng vùng cần phải chú y đến hiệu quả các công trình.

- Các vùng có hệ thống canh tác khác như lúa + thủy sản, lúa – màu cần chú hài hòa các lợi ích về thủy lợi cho từng loại cây trồng và có kế hoạch khai thác bền vững, lâu dài.

2. Giống:

- Giống lúa quyết định trong việc bố trí mùa vụ, chọn các giống phù hợp cho vùng sản xuất 3 vụ/ năm ( phải ngắn ngày ≤ 90 ngày, cho năng suất và chất lượng cao đồng thời phải chống chịu được với một số dịch hại quan trọng.)

- Vùng sản xuất 2 vụ lúa/ năm có thể chọn những giống lúa dài ngày hơn 100 – 110 ngày, tuy nhiên cần phải sử dụng giống có thời gian sinh trưởng giống nhau trên cùng một cánh đồng, tiến tới việc sử dụng giống đồng nhất, chất lượng cao trên cùng cánh đồng để nâng cao giá trị hàng hóa.

- Vùng sản xuất lúa mùa 1 vụ, lúa – tôm, lúa + thủy sản có thể sử dụng các giống lúa mùa chất lượng cao, những giống cho chất lượng thấp, nhiễm sâu bệnh cần được thay thế bằng các giống lúa trung mùa chất lượng cao, giống lúa lai năng suất cao để điều chỉnh thời vụ cho phù hợp và gia tăng thu nhập.

3. Khuyến Nông, BVTV:

- Thời vụ lúa có liên quan chặt chẽ đến BVTV, vì vậy khi bố trí thời vụ cần theo dõi khuyến cáo và dự báo của ngành BVTV để hạn chế sự lây lan và gây hại của sâu bệnh.

- Sắp xếp và điều chỉnh mùa vụ lúa là công việc lâu dài và cần được sự đồng tình nhất trí cao của nông dân, cần tuyên truyền và khuyến cáo sâu rộng trong nông dân để cùng với các cơ quan chuyên môn điều chỉnh thời vụ cho hợp ly và có lợi, tránh trường hợp cứng nhắc gây thiệt hại cho một bộ phận nông dân sẽ gây ảnh hưởng đến việc chỉ đạo thời vụ chung.

4. Cơ giới hóa: cày, xới, sạ, gặt đập liên hợp:

- Khâu cơ giới có tác động trực tiếp đến việc bố trí mùa vụ lúa, khi các phương tiện làm đất và thu hoạch còn chưa đủ đáp ứng yêu cầu cho việc bố trí thời vụ lúa thì việc tập trung xuống giống sẽ gặp nhiều khó khăn, khi xây dựng lịch thời vụ cần cân đối số lượng máy, nhân công lao động để bố trí cho phù hợp, vụ Hè Thu sẽ thiếu sân phơi, lò xấy lúa nên bố trí tập trung cần xem xét yếu tố này.

- Cần có chính sách khuyến khích đầu tư cho các tổ chức, nông hộ đều tư cơ giới hóa, tiến tới việc đáp ứng đủ yêu cầu cho việc bố trí thời vụ tập trung, đồng loạt.

5. Bảo quản, tiêu thụ:

- Trong nhiều năm qua, các kho chứa có khối lượng lớn đã không còn phát huy hiệu quả, việc tiêu thụ lúa tại đồng ruộng chủ yếu do các nhà máy, hộ tư nhân, vệ tinh của hệ thống công ty lương thực, việc thu mua thuận lợi vì đáp ứng được tập quán bán lúa tại đồng của nông dân, tuy nhiên năng lực nhỏ, nguồn vốn thấp, sức tiêu thụ có hạn là yếu tố hạn chế của hệ thống thu mua này, trong khi các tổ hợp tác, hợp tác xã còn ít, yếu thì việc cũng cố các hình thức liên kết trong tiêu thụ lúa là rất cần thiết.

- Việc tồn trữ lúa trong dân sẽ làm cho chi phí tăng cao (bốc xếp, bao bì, bão quản, tiêu tốn nhiều lao động…). Vì vậy chủ động trong việc tiêu thụ lúa khi xuống giống tập trung, đồng loạt là vấn đề thực sự khó khăn, không chỉ ảnh hưởng đến giá cả ( do sản lượng nhiều cùng lúc) mà còn làm giảm chất lượng lúa, ảnh hưởng đến thu nhập nông dân mà còn ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong khi chưa có những giải pháp khắc phục ngay thì phương thức thu mua và gởi lại nông dân theo thỏa thuận của các đơn vị, cơ sở tiêu thụ lúa có thể là một giải pháp được xét đến.


SƠ ĐỒ SỰ LIÊN KẾT MÙA VỤ LÚA TẠI ĐBSCL

MÙA VỤ

T 10

T 11

T 12

T 1

T 2

T 3

T 4

T 5

T 6

T 7

T 8

T 9

Đông Xuân

Xuống giống

Thu hoạch

Hè Thu

Xuống giống

Thu hoạch

Thu Đông

Xuống giống

Thu hoạch

Mùa

Xuống giống

Thu hoạch