Thứ Năm, 22 tháng 10, 2009

Tập trung chỉ đạo sản xuất lúa Đông Xuân 2009-2010 ở ĐNB và ĐBSCL

Thứ năm 22.10.2009, 13:48

Công văn số 3437/BNN-VP ngày 22/10/2009 V/v Tập trung chỉ đạo sản xuất lúa Đông Xuân 2009-2010 ở ĐNB và ĐBSCL

Kính gửi: Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long

Vụ lúa Đông Xuân là vụ lúa quan trọng nhất trong năm ở vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp 50% sản lượng lúa Đông Xuân cả nước với giá thành sản xuất thấp, chất lượng gạo tốt rất thuận lợi cho xuất khẩu. Vì vậy, cần tập trung chỉ đạo có hiệu quả nhằm đạt năng suất, sản lượng, tăng thu nhập và lợi nhuận cho nông dân, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu gạo trong năm 2010.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp và các cấp chính quyền thực hiện một số giải pháp sau:

1. Về thời vụ

- Căn cứ vào điều kiện nước tưới của từng vùng bố trí thời vụ xuống giống lúa Đông Xuân 2009 - 2010 trong tháng 11 và tháng 12, tập trung đồng loạt né rầy cho từng vùng, từng cánh đồng theo dự báo về tình hình rầy nâu của cơ quan BVTV. Đảm bảo thời gian giãn cách vụ từ vụ Thu Đông 2009 sang vụ Đông Xuân 2009-2010 ít nhất 03 tuần để cắt cầu nối lây lan của dịch hại.

- Có kế hoạch bơm tát để xuống giống ở vùng ảnh hưởng nước lũ rút chậm, gia cố đê bao, bờ vùng, bờ thửa để chủ động trong việc xuống giống lúa theo thời vụ khuyến cáo.

2. Về cơ cấu giống lúa

- Giống lúa sản xuất cần đáp ứng thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu, kiên trì bố trí cơ cấu giống lúa theo hướng chất lượng cao (gạo hạt dài, trong, không bạc bụng). Đối với vụ Đông Xuân có thể trồng các giống lúa thơm cao sản ở những vùng thuận lợi để cung cấp gạo cao cấp.

- Mỗi tỉnh, thành chọn 3 - 5 giống chủ lực, 2 - 3 giống bổ sung và một vài giống lúa triển vọng để có thể thay thế khi gặp những điều kiện không thuận lợi đối với giống chủ lực. Giống mới đưa vào sản xuất cần được chọn lọc và trình diễn, thử nghiệm trước khi khuyến cáo cho nông dân. Các giống lúa chủ lực được khuyến cáo cho vụ Đông Xuân: OM 4498, OM 2717, OM 2517, AS 996, OM 6561, OM 2395, OM 6162, OM 6561, VND 95-20, OMCS 2000, OM 3536, Jasmine 85, OM 4900.

- Tăng cường sử dụng giống lúa xác nhận và cơ cấu một giống lúa không vượt quá 20% diện tích lúa trong phạm vi toàn tỉnh, thành; trường hợp đặc biệt giống có nhu cầu thị trường rộng, diện tích không vượt quá 30%. Các giống chủ lực có thể bố trí thành từng địa bàn sản xuất tập trung theo từng giống để thuận lợi cho việc thu mua, chế biến.

- Củng cố và tăng cường hệ thống nhân giống lúa xác nhận 1 và xác nhận 2 để đáp ứng nhu cầu giống cho vụ Hè Thu 2010; khuyến khích nông hộ, câu lạc bộ nhân giống sản xuất giống xác nhận 2.

3. Về phòng trừ dịch bệnh

- Rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá vẫn còn đe dọa sản xuất lúa ở Nam bộ, vì vậy luôn cảnh giác phòng trừ theo các biện pháp đã thực hiện thành công trong các năm qua, trong đó các biện pháp then chốt gồm: gieo sạ tập trung né rầy, sử dụng giống kháng, dự báo tốt tình hình rầy nâu qua hệ thống bẫy đèn thiết lập đến cấp huyện, giám sát chặt chẽ đồng ruộng, phun xịt thuốc BVTV theo "bốn đúng".

- Chú ý theo dõi bệnh đạo ôn trên lúa Đông Xuân và các dịch bệnh khác để phòng trừ kịp thời.

4. Các biện pháp khác

- Tăng cường thực hiện việc phổ biến sản xuất lúa theo hướng GAP, tập huấn nông dân ghi chép sổ tay sản xuất lúa, tập trung vào các giải pháp 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quản lý nước và tưới tiết kiệm, sử dụng phân bón hợp lý, cân đối.

- Đẩy mạnh thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, các biện pháp phơi sấy, tồn trữ phù hợp với từng vùng. Đây là một trong những khâu quan trọng trong giảm thất thoát, giảm chi phí thu hoạch và nâng cao phẩm chất lúa gạo.

- Tính toán giá thành sản xuất (20 ngày sau khi kết thúc xuống giống), dự báo sản lượng lúa chung và sản lượng cho từng giống chủ lực (40 ngày sau khi kết thúc xuống giống) để có cơ sở đề xuất giá thu mua lúa hợp lý bảo đảm lợi nhuận cho nông dân trong trường hợp thị trường có biến động bất lợi về giá cả.

- Kiên trì quy hoạch ở từng tỉnh, thành những vùng lúa sản xuất tập trung phục vụ xuất khẩu, mở rộng phương thức liên kết sản xuất - tiêu thụ.

Các Cục của Bộ: Trồng trọt; Bảo vệ thực vật; Thủy lợi; Chế biến, Thuơng mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối; Vụ Kế hoạch theo chức năng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành theo dõi sát tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa Đông Xuân 2009-2010, có giải pháp ứng phó kịp thời với các điều kiện khó khăn phát sinh.

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, phát triển mô hình sản xuất lúa theo GAP.
Nguồn http://www.omard.gov.vn/

Không có nhận xét nào: