Thứ Hai, 21 tháng 5, 2007

Thủ tục nhập khẩu phân bón



1. Đối với nguyên liệu sản xuất phân bón và phân bón trong các trường hợp đặc biệt (phân bón chuyên dùng cho sân thể thao, làm mẫu, hội chợ triển lãm, thử nghiệm sơ bộ tại Việt Nam)



* Hồ sơ gồm:



a. Đơn xin nhập khẩu (theo mẫu);



b. Tài liệu giới thiệu về phân bón: tên thương mại, loại phân bón, tên hãng hoặc tên công ty và nước sản xuất, đặc điểm công dụng, màu sắc, thành phần, hàm lượng các chất dinh dưỡng, các chất độc hại (đối với những loại phân bón, nguyên liệu sản xuất phân bón có nguồn gốc từ phế thải công nghiệp và rác thải đô thị); hướng dẫn sử dụng, nhãn sản phẩm (đối với phân bón); tài liệu cho phép sản xuất, kinh doanh ở nước ngoài (nếu có) (Tài liệu bằng tiếng của nước sản xuất; tài liệu tiếng Anh nếu có + bản dịch tiếng Việt)



c. Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với đơn vị thuộc diện phải đăng ký kinh doanh) hoặc Giấy phép đầu tư (đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) (chỉ trình một lần trong năm);



d. Báo cáo kết quả nhập khẩu, sử dụng phân bón lần nhập trước (nếu là nhập lần thứ 2 trở đi).



* Thời gian giải quyết:
- Thời gian hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ: không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.
- Thời gian xử lý, trả kết quả: không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.



2. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, nhập khẩu phân bón để phục vụ sản xuất trong phạm vi doanh nghiệp (80% sản phẩm sản xuất dùng để xuất khẩu)



* Hồ sơ gồm:



a. Đơn xin nhập khẩu (theo mẫu);



b. Tài liệu giới thiệu về phân bón: tên thương mại, loại phân bón, tên hãng hoặc tên công ty và nước sản xuất, đặc điểm công dụng, màu sắc, thành phần, hàm lượng các chất dinh dưỡng, các chất độc hại (đối với những loại phân bón sản xuất từ phế thải công nghiệp và rác thải đô thị); hướng dẫn sử dụng; nhãn sản phẩm, tài liệu cho phép sản xuất, kinh doanh ở nước ngoài (nếu có) (Tài liệu bằng tiếng của nước sản xuất; tài liệu tiếng Anh nếu có + bản dịch tiếng Việt)



c. Xác nhận của Sở Thương mại về kế hoạch nhập khẩu phân bón.



d. Bản sao công chứng Giấy phép đầu tư (chỉ trình một lần trong năm).
* Thời gian giải quyết:
- Thời gian hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ: không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.
-Thời gian xử lý, trả kết quả: không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.



3. Nơi tiếp nhận và chuyên viên thụ lý hồ sơ
Nơi tiếp nhận hồ sơ: Phòng Hành chính, Tổng hợp, Cục Trồng trọt - số 2 Ngọc Hà -Ba Đình -Hà Nội: ĐT: 04.8234651
Chuyên viên thụ lý hồ sơ: Phạm Trung Hoà, ĐT: 04.8234651; DD 0903237536

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2007

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC TRỒNG TRỌT – CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT
TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG QUỐC GIA


SỔ TAY HƯỚNG DẪN
SẢN XUẤT LÚA HÈ THU 2007
CÁC TỈNH NAM BỘ




THÁNG 3 - 2007


BAN BIÊN SOẠN

- ThS. Nguyễn Văn Hòa, ThS. Lê Thanh Tùng,
ThS. Nguyễn Quốc Lý
Cục Trồng trọt

- ThS. Nguyễn Hữu Huân, ThS. Hồ Văn Chiến
ThS. Lê Văn Thiệt
Cục Bảo vệ Thực vật

- PGS. TS. Mai Thành Phụng
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Chủ biên: Nguyễn Văn Hòa,
Mai Thành Phụng,
Lê Thanh Tùng.

LỜI CẢM ƠN

Tập thể Ban biên soạn xin chân thành cảm ơn sự góp ý quý báu của:
- GS.TS Nguyễn Văn Luật
- GS.TS Bùi Chí Bửu
- TS. Ngô Vĩnh Viễn
- PGs.TS Nguyễn Văn Huỳnh
- PGs. TS Phạm Văn Kim
- PGs. TS Phạm Văn Dư
- PGs. TS Trần Văn Hai
Và các đồng nghiệp để hoàn thiện Sổ tay này.


LỜI MỞ ĐẦU


Vụ Hè Thu 2007 khả năng tiếp tục lây lan dịch hại rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá từ vụ Đông Xuân 2006-2007 là rất lớn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị số 521/CT-BNN-VP về việc thực hiện tháng phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở Nam bộ từ 26/2 - 27/3/2007 đã thể hiện sự quyết tâm, tích cực, tiếp tục phòng chống quyết liệt dịch hại này không để lây lan và làm thiệt hại lớn cho sản xuất.
Để giúp bà con nông dân, cán bộ lãnh đạo, cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật nắm vững các vấn đề quan trọng của vụ lúa Hè Thu 2007, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã giao Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tập hợp ý kiến của các nhà khoa học biên soạn quyển “Sổ tay hướng dẫn sản xuất lúa Hè Thu 2007 các tỉnh Nam bộ”.
Đây là tài liệu được phát hành chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm phục vụ công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn, và chỉ đạo sản xuất vụ lúa Hè Thu 2007 tại các tỉnh phía Nam.
Rất mong được sự hưởng ứng của bà con nông dân, cán bộ và toàn bộ hệ thống chính trị vào việc tổ chức thực hiện, chỉ đạo, sản xuất vụ lúa Hè Thu 2007 thắng lợi với phương châm là tiếp tục phòng chống rầy nâu, bệnh VL, LXL một cách quyết liệt và thực hiện các giải pháp đồng bộ theo hướng dẫn của quyển Sổ tay này.

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Phần 1
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VỤ LÚA HÈ THU 2007

- Vụ Hè Thu 2007 trong bối cảnh tiếp tục áp lực lây lan dịch hại rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá từ vụ Đông Xuân 2006-2007.
- Đây là vụ lúa trồng trong mùa mưa, thiếu ánh sáng cần chọn giống chống chịu rầy, cứng cây, trổ gọn và nhanh.
- Ảnh hưởng El nino nên khả năng gặp hạn đầu vụ (nếu gieo tháng 3, 4), bị xâm nhập mặn, bị xì phèn (tháng 4-5), cần lưu ý chọn giống chịu phèn, chịu mặn.
- Lúa Hè Thu trồng trong điều kiện còn gốc rạ của vụ Đông Xuân nên cần cày ải, xới đất, phơi đất (tránh ngộ độc hữu cơ), bón phân lót (phân lân), bón phân đợt 1 sớm (từ 7-10 ngày sau sạ) để bộ rễ phát triển tốt, đẻ nhánh sớm là rất cần thiết.
- Vùng bị ảnh hưởng lũ nên lưu ý thời vụ (không gieo muộn quá tháng 5), sử dụng giống cực ngắn ngày, có đê bao lửng.
- Chuẩn bị thật tốt cho việc thu hoạch, phơi sấy để giảm tỷ lệ thất thoát khi thu hoạch và sau thu hoạch.
Phần 2
GIỐNG LÚA VÀ XỬ LÝ HẠT GIỐNG

1. Giống lúa

1.1. Sử dụng hạt giống phải đạt tiêu chuẩn

- Hạt giống phải sáng mẩy, không hoặc có ít hạt lem, có rất ít hạt lửng và hạt bị dị dạng, đồng nhất về kích cỡ.
- Hạt giống phải thuần, không bị lẫn những giống khác hoặc hạt cỏ và lúa cỏ, tạp chất thấp, nẩy mầm khỏe và đồng đều, tỷ lệ nẩy mầm từ 80% trở lên.
- Hạt giống không bị côn trùng phá hoại, không lẫn hạch nấm hoặc không mang mầm bệnh nguy hiểm.
- Chất lượng hạt giống đạt hoặc tương đương cấp giống xác nhận.

1.2. Chú ý khi sử dụng giống mới

- Phải biết được tên giống và nguồn gốc giống.
- Nắm được đặc điểm của giống (như thời gian sinh trưởng, cứng cây hay yếu cây, nhiễm nặng các loại sâu bệnh gì, tính chống chịu hạn, phèn, mặn); đặc biệt phải nắm rõ nhược điểm của giống để trong quá trình canh tác có biện pháp xử lý kịp thời.
- Biết được chất lượng hạt giống nếu đó là hạt giống được mua nơi khác.
- Cần tham khảo ý kiến của khuyến nông địa phương, Viện, Trường trước khi trồng.
- Chú ý tính ngủ nghỉ (miên trạng) của hạt giống nếu giống mới thu hoạch để có biện pháp xử lý.
- Đặc biệt lưu ý tính chống chịu của giống đó đối với rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, không nên sử dụng giống có lý lịch không rõ ràng.

1.3. Lượng giống cần thiết cho gieo sạ

Nên sạ thưa để giảm áp lực sâu bệnh, giảm đổ ngã. Nên sạ hàng với lượng giống 80-100kg/ha, nếu sạ lan thì cũng chỉ nên 100-120kg/ha, tối đa 150kg/ha.
Chú ý: Lượng hạt giống cho vào trống của công cụ gieo hàng chỉ bằng 2/3 thể tích trống và tránh làm ướt bên trong trống để hạt ra đều.

1.4. Những giống lúa phù hợp cho từng vùng sinh thái

+ Vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu: sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao:

- Giống chủ lực: VNĐ 95-20, OMCS 2000, OM 4498, OM 3536, OM 2517, Jamine 85, TNĐB 100.

- Giống bổ sung: IR 50404, IR 64, OM 4495, nếp, OM 5930, OM 2514.

- Giống triển vọng: OM 5930, MTL 500, MTL 384, OM 4900, OM 5239, MTL 392.

+ Vùng Tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên: sử dụng các giống lúa thâm canh cao:

- Giống chủ lực: OM 2517, OMCS 2000, VND 95-20, IR 50404, OM 2395, OM 576, OM 4498.

- Giống bổ sung: OM 3536, AS 996, OM 2717, OM 2718, IR 64, OM 4495, Jasmine 85, nếp.

- Giống triển vọng: OM 5930, MTL 384, HD1, OM 5239, MTL 392, MTL 4668.

+ Vùng Đồng Tháp Mười: sử dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình, khá:

- Giống chủ lực: OMCS 2000, IR 50404, OM 576, VNĐ 95-20, OM 3536, OM 4498.

- Giống bổ sung: OM 2517, Jasmine 85, OM 4495, AS 996, OM 2395, OM 1490.

- Giống triển vọng: OM 4088, OM 5930, MTL 492, OM 5936.

+ Vùng ven biển Nam bộ: sử dụng giống ngắn ngày, thâm canh trung bình, khá:

- Giống chủ lực: OM 576, OMCS 2000, IR 50404, OM 4495, OM 4498, VNĐ 95-20, OM 3536, OM 2517.

- Giống bổ sung: AS 996, OM 2717, OM 3242, ST 5, MTL 233, nếp, Jasmine 85.

- Giống triển vọng: OM 5930, OM 4900, OM 5936, MTL 384, MTL 499.

+ Vùng bán đảo Cà Mau: sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu phèn mặn:

- Giống chủ lực: OM 576, OMCS 2000, VNĐ 95-20, OM 2717, IR 50404, OM 4498, OM 2517.

- Giống bổ sung: OM 3242, AS 996, OM 2718, OM 4495, Jasmine 85, nếp, ST5.

- Giống triển vọng: OM 6073, OM 5930, MTL 384, MTL 499, MTL 530, OM 4900.

+ Các tỉnh Đông Nam bộ:

- Giống chủ lực: VNĐ 95-20, OMCS 2000, ML 48, IR 64, IR 59606 (OMCS 94).

- Giống bổ sung: VNĐ 99-3, OM 3536, TH 6, TH 41, Jasmine 85, nếp.

- Giống triển vọng: OM 4498, IR 5930, MTL 384.

b. Những giống hạn chế sử dụng: OM 1490, VD 20, OM 2514, OM 2718, MTL 250.

c. Những giống lúa chủ lực cần chú ý theo dõi và quản lý chặt chẽ: VNĐ 95-20, OM 2517, OM 2717, Jasmine 85.

2. Các biện pháp xử lý hạt giống trước khi trồng

2.1 Kiểm tra lại độ ẩm của hạt giống, tốt nhất nên phơi lại 1-2 nắng sáng (8-12giờ) để tăng sức hút nước và sức nẩy mẩm của hạt giống.

2.2 Thử tỷ lệ nẩy mầm: thử một nắm hạt giống (ngâm ủ bình thường) thấy tỷ lệ nẩy mầm trên 80% mới đạt yêu cầu trước khi ngâm ủ đại trà.

2.3 Xử lý hạt giống với nước nóng 540C (3 sôi 2 lạnh) góp phần phá miên trạng và diệt một phần mầm bệnh hại bám trên hạt lúa.

2.4 Xử lý với dung dịch nước muối 15% có tác dụng rất tốt loại bỏ đáng kể mầm bệnh lúa von, các hạt lép lửng, hạt cỏ gạo.

Cách làm như sau:
- Lúa giống ngâm nước sạch 24-36 giờ (lúa đã no nước), pha dung dịch nước muối 15% (15kg muối ăn pha trong 100 lít nước), khuấy mạnh cho tan hết muối.
- Một thể tích lúa giống cần 3 thể tích dung dịch muối đã pha.
- Xử lý nhanh trong vòng 10-15 phút (loại tất cả hạt lép, lửng, hạt cỏ) sau đó đem lúa giống đãi với nước sạch nhiều lần cho hết muối mới đem đi ủ.

2.5 Trong trường hợp cần thiết có thể xử lý hạt giống với các hóa chất khác như Gaucho, Cruiser Plus... (ngừa bọ trĩ, rầy nâu), ViPac 88, Humate, Super Humate... (tăng sức nẩy mầm), Thiram, Benomyl, Carbendazim...(ngừa lúa von).

2.6 Xử lý phá miên trạng bằng axit nitric nồng độ 5‰ (có thể thử để chọn nồng độ thích hợp từ 2-10‰ )


Phần 3
KỸ THUẬT CANH TÁC

1. Chuẩn bị đất

- Cày ải, phơi đất tối thiểu 10-15 ngày và vệ sinh đồng ruộng thật kỹ trước khi gieo sạ là rất cần thiết để lúa Hè Thu sinh trưởng, phát triển tốt, giảm tỷ lệ đổ ngã, giảm ngộ độc hữu cơ. Nơi nào không có điều kiện cày thì cũng nên xới đất, phơi đất ít nhất 10-15 ngày.
- Củng cố hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng, khơi thông các luồng lạch để khi cần thiết có thể bơm chống hạn hoặc chống úng kịp thời.

2. Thời vụ gieo trồng

- Phương châm: Xuống giống né rầy, đồng loạt, tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng, lưu ý tình hình hạn đầu vụ.
- Biện pháp kỹ thuật quan trọng cần được tiếp tục thực hiện trong vụ Hè Thu 2007 là xuống giống tập trung cho từng vùng trên cơ sở theo dõi bẫy đèn để né rầy tại địa bàn xã, huyện (thực hiện theo khuyến cáo lịch thời vụ của địa phương).
- Trường hợp rầy vào đèn đều đều không rõ đỉnh cao thì lịch xuống giống dựa vào thủy văn nhưng phải gom vụ (gieo sạ tập trung), không kéo dài lai rai, không để trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa khác nhau.
- Phải áp dụng đồng bộ các giải pháp tổng hợp: xử lý hạt giống, 3 giảm 3 tăng, IPM, che chắn rầy bằng nước, phun xịt đồng loạt, tiêu hủy nguồn bệnh.
- Thời điểm xuống giống vụ Hè Thu 2007 cần cách vụ lúa trước ít nhất 3 tuần, khuyến cáo nông dân cày ải phơi đất, xới đất nhằm hạn chế mầm bệnh vi rút vàng lùn, lùn xoắn lá còn ở trong gốc rạ, hạch khuẩn bệnh khô vằn trong đất, rạ bị bệnh lúa von.
Khung thời vụ đề nghị như sau:

* Đối với Đồng bằng Sông Cửu Long:

+ Đợt 1: xuống giống trong tháng 3 đến đầu tháng 4 (chủ yếu các tỉnh: Sóc Trăng, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang).

+ Đợt 2: xuống giống vào giữa tháng 4 đến cuối tháng 5 (hầu hết các tỉnh ĐBSCL).

+ Đợt 3: xuống giống từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6 (chủ yếu các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau).

* Đối với Đông Nam bộ:

+ Vùng chủ động nước từ các công trình thủy lợi: xuống giống trong tháng 4.

+ Vùng phụ thuộc vào nước trời: xuống giống tháng 5 và tháng 6.

Từ khung thời vụ trên, từng tỉnh nên theo dõi số liệu bẫy đèn, con nước, tình hình mưa để quyết định lịch xuống giống tập trung cho từng tiểu vùng và có khuyến cáo cụ thể cho bà con nông dân.

Lưu ý: Theo Cục BVTV, dự báo tình hình rầy nâu di trú sẽ rơi vào các đợt như sau:

-Đợt rầy nâu di trú rộ từ 26/2/2007- 5/3/2007, nguồn rầy nâu do thu hoạch lúa ĐX chính vụ và lúa mùa.
-Đợt từ 27/3/2007 - 2/4/2007, nguồn rầy nâu do thu hoạch ĐX muộn.
-Đợt rầy nâu di trú cao từ 22/4/2007 - 28/4/2007.
-Đợt rầy nâu di trú từ 20/6/2007 - 30/6/2007.
-Đợt rầy nâu di trú cao từ 26/7/2007 - 30/7/2007.

Tháng 5 và tháng 8 cũng có nguồn rầy nâu di trú, tuy nhiên mật số sẽ không cao vì nguồn rầy có ít, đa phần là do phù hợp với thức ăn nên sẽ là rầy cánh ngắn nhiều, không di trú.

Cần theo dõi các đợt rầy di trú để xuống giống né rầy.

Lưu ý đối với đợt xuống giống Hè Thu sớm (đợt 1) nếu nơi nào có mật độ rầy nâu vào đèn cao, liên tục không giảm có nguy cơ thiệt hại nặng thì nên xem xét chờ xuống giống đồng loạt theo lịch thời vụ né rầy.

3. Phòng trừ cỏ dại hại lúa

Cần có biện pháp quản lý cỏ dại tổng hợp để đạt được hiệu quả cao.
3.1. Loại bỏ hạt cỏ trong nguồn giống gieo sạ
Dùng giống xác nhận, giống không có lẫn hạt cỏ, loại bỏ hạt cỏ còn sót lại trước khi gieo sạ. Trước khi ngâm ủ, cần sàng sảy lại để loại bỏ hạt cỏ hoặc đãi trong nước nhiều lần để loại hạt cỏ và những hạt lúa lép, lửng.

3.2. Áp dụng biện pháp làm đất diệt cỏ và dùng nước ém cỏ
- Cày vùi lấp toàn bộ cỏ sau đó bừa trục kỹ mới gieo sạ lúa.
- Ở ruộng cấy, sau khi cấy xong đưa nước vào ngập ruộng 5cm để ém cỏ.

3.3. Biện pháp thủ công

- Kết hợp dặm tỉa lúa và nhổ cỏ.
- Cắt các bông cỏ còn sót trên ruộng, không để cỏ kết hạt và rơi rụng.

3.4. Áp dụng biện pháp hóa học là chủ yếu
Cần xịt 2 đợt:
- Xịt đợt 1: nên dùng các loại thuốc trừ cỏ sớm (tiền nẩy mầm, hậu nẩy mầm sớm) để trị cỏ trong vòng 10 ngày đầu, đây là đợt phun xịt diệt cỏ quan trọng nhất.
- Xịt đợt 2: từ 10-16 ngày sau sạ, quan sát trên ruộng lúa nếu còn cỏ (do xịt sót, tái sinh) thì xịt đợt 2 bằng một số loại thuốc hậu nẩy mầm như Facet, Clincher, Whip’S. Để diệt luôn cỏ lá rộng thì sử dụng hỗn hợp thuốc Clincher + SunRice.
4. Bón phân cho lúa
4.1 Bón phân đạm theo bảng so màu

- Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali.
- Phối hợp giữa phân bón gốc và phân bón lá.
- Ở giai đoạn đẻ nhánh (18-22 NSS) và làm đòng (40-45 NSS) sử dụng bảng so màu lá để điều chỉnh lượng phân đạm cần bón.
4.2. Tác dụng một số loại phân
- Phân đạm: Giúp cây lúa phát triển thân, lá, cây to khỏe cho bông lớn. Tránh bón lai rai, bón dư đạm tán lá sẽ rậm rạp, nhiều chồi vô hiệu làm nguồn thức ăn tốt cho rầy nâu và các loại bệnh khác nhất là đạo ôn và bạc lá, lúa bị lép nhiều.
- Phân lân: Giúp cây lúa phát triển tốt bộ rễ, nẩy chồi tốt, hạ phèn. Bón lót hoặc bón hết lượng lân vào đợt 1 và đợt 2.
- Phân kali: Giúp cây lúa hút các chất dinh dưỡng được tốt hơn, làm cứng cây, giảm áp lực sâu bệnh, giúp cây lúa chịu hạn, vận chuyển các chất đường bột tốt (hạt lúa vào chắc nhanh). Bón vào đợt 1 và đợt 3.
- Sử dụng phaân boùn laù vaø kích thích tố: Để điều khiển chồi hữu hiệu, số hạt chắc trên bông, giúp cây lúa phát triển tốt đạt năng suất cao. Muốn sử dụng thành công, ta cần chọn quy trình canh tác phù hợp thì việc điều khiển ở từng giai đoạn được dễ dàng hơn.
Bốn điều cần lưu ý khi sử dụng phân bón lá:
+ Ruộng phải có bón phân.
+ Ruộng phải có nước.
+ Phun đúng giai đoạn ta cần điều khiển.
+ Phun đúng nồng độ, phun quá liều sẽ phản tác dụng.
4.3. Thời điểm và liều lượng phân bón



Giai đoạn cây con Kéo dài 10 ngày
Giai đoạn tăng trưởng Kéo dài từ 20 đến 30 ngày (tùy theo giống)

Giai đoạn đòng Kéo dài 28-30 ngày

Giai đoạn trổ và chín Kéo dài 28-30 ngày

(áp dụng cho các giống có thời gian sinh trưởng từ 90 đến 100 ngày)
Có thể chia ra các đợt bón phân như sau:
+ Bón lót: trước khi gieo sạ.Vùng đất phèn nên bón lót phân lân từ 100-400kg /ha tùy độ phèn của đất, giúp hạ phèn ngay từ đầu, bộ rễ sẽ phát triển tốt hơn.
+ Đợt 1: 7 - 10 ngày sau sạ (NSS).
- Nên bón phân đợt 1 sớm nhằm giúp cây lúa phát triển tốt ngay từ đầu.
- Bón Urea + Lân, nếu cần thiết bón thêm Kali.
Chú ý: Phải đưa nước vào ngập ruộng 5cm trước khi bón phân. Bù lạch thường gây hại giai đoạn này.
+ Đợt 2: 18 - 22 ngày sau sạ.
- Bón Urea + Lân.
- Lưu ý bón vá áo vào những chỗ xấu để điều chỉnh độ đồng đều của ruộng lúa.
- Đối với ruộng sạ mật độ thấp hoặc giống nẩy chồi kém, sử dụng chế phẩm kích thích sinh trưởng phun ngay sau khi bón phân để làm gia tăng số chồi hữu hiệu.
Chú ý: Sâu đục thân, sâu phao, sâu cuốn lá, bệnh đốm vằn, bệnh đạo ôn lá trong giai đoạn này.
+ Đợt 3: bón phân đón đòng.
- Áp dụng theo nguyên tắc không ngày không số. Sau khi rút nước giữa vụ (từ 30-40 ngày sau sạ), để lúa vàng 2/3 đám ruộng, cho nước vào và bón phân đợt 3 (chú ý lá còn xanh không nên bón phân). Định mức phân bón tùy theo màu sắc đám ruộng như sau:
+ Vàng tranh: 50 kg Urê + 50 kg Kali /ha
+ Xanh vàng: 25 kg Urê + 75 kg Kali /ha
+ Xanh đậm: chỉ bón 100 kg Kali /ha
Sau bón phân giữ nước đến lúa chín sáp vì ở giai đoạn này nếu để ruộng khô thiếu nước thì lúa sẽ bị lép, có thể sử dụng các chất kích kháng phun ngay khi bón phân đợt 3, giúp cây lúa hút dinh dưỡng mạnh hơn và bảo đảm được số hạt chắc trên bông.
Chú ý: Bệnh đốm vằn, đạo ôn, sâu cuốn lá, rầy nâu.
+ Đợt 4: 55 - 72 ngày sau sạ.
- Khi lúa có triệu chứng thiếu phân ở giai đoạn lúa trổ lẹt sẹt thì bón thêm mỗi công (1.000 m2) từ 2 - 3 kg phân Urea.
- Tốt nhất nên phun phân bón lá vào 2 giai đoạn: 55 ngày sau sạ (trước trổ 1 tuần) và lúc lúa cong trái me (72 ngày sau sạ).
Chú ý: Bệnh đạo ôn, vàng lá, đốm vằn, lem lép hạt, sâu cuốn lá, rầy nâu.

5. Quản lý nước

Ruộng phải có mặt bằng tốt và chủ động nước để thực hiện quy trình quản lý nước tiết kiệm như sau:
- Sau khi gieo (sạ lan, sạ hàng) cần chắt nước cho thật ráo, chỉ để đủ độ ẩm (tránh chết vũng).
- Khi xử lý thuốc trừ cỏ phải bảo đảm điều kiện độ ẩm đất và mực nước theo yêu cầu. Sau khi phun xịt thuốc trừ cỏ từ 1-2 ngày phải đưa nước vào ruộng lúa mới phát huy tác dụng tốt.
- Đủ nước cho việc bón phân đợt 1 thật sớm (7-10 ngày sau sạ)
- Từ 10-18 ngày giữ nước trong ruộng lúa từ 1 đến 3 cm.
- Từ 18-22 ngày sau sạ bơm nước bón phân đợt 2 (không chờ cấy dặm xong, chỗ nào chưa xong thì chừa phân bón sau). Giữ mức nước cao tối đa không quá 5 cm.
- Sau khi lúa đẻ đã kín hàng (30-40 ngày sau sạ) thì cắt nước từ nhằm hạn chế việc đẻ nhánh vô hiệu, giúp cây làm đòng thuận lợi. Đây là biện pháp rất tốt giúp cây khỏe, ít sâu bệnh, bộ rễ hô hấp tốt, giảm bớt các độc chất trong môi truờng ngập nước.
- Khi có trên 2/3 ruộng lúa chuyển sang màu vàng tranh (khoảng 40-45 ngày sau sạ) thì đưa nước vào bón phân đón đòng.
- Giữ nước trong ruộng lúa 5 cm từ lúc lúa làm đòng đến chín sáp.
- Tháo nước trước lúc thu hoạch từ 5-7 ngày (đối với ruộng cao) và từ 10-15 ngày (đối với ruộng trũng) để thúc đẩy quá trình chín và ruộng khô dễ dàng lúc thu hoạch.

Phần 4
PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH

1. Phòng trừ rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá
Xem Sổ tay Hướng dẫn phòng trừ rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Một số loài dịch hại chính khác
2.1 Sâu hại
+ Bù lạch (bọ trĩ)
- Thời điểm xuất hiện: 5 – 20 ngày sau sạ, cấy.
- Toàn ruộng ngã màu vàng, chóp lá cuốn lại.
- Có thể xử lý nước và bón phân để cây lúa có sức vượt thoát và phục hồi.
- Không sử dụng thuốc có phổ tác động rộng ở giai đoạn đầu.
- Thuốc phòng trị: Khi cần thiết có thể sử dụng một số loại thuốc hoá học sau Bassa 50ND, Basan 50EC, Applaud 10WP, Mipcide 20EC, Actara 25 WG, Regent 800WG, Marshal 200SC, Brightin 1.8EC, Abafax 1.8 EC, Carbosan 25EC, Butyl 10WP, Bian 40 EC, Trebon 10EC...
+ Sâu cuốn lá

- Thời điểm xuất hiện: 20 ngày sau sạ, cấy.
- Lá bị cuốn lại và bị cắn hết phần thịt lá.
- Không cần sử dụng thuốc trong 40 ngày sau sạ vì cây lúa lúc này có khả năng phục hồi.
- Thuốc phòng trị: Silsau 18.EC, Padan 95SP, Regent 800WG, Fastac 5EC, Cyperan, Diaphos, Proclaim 1.9EC, Sumithion 50EC, Karate 2.5EC, Abafax 1.8 EC,...
+ Sâu đục thân

- Thời điểm xuất hiện: 25 ngày sau sạ đến trổ.
- Vài chồi trong bụi bị vàng rồi khô, nắm chồi kéo lên được, bông khô trắng, lép hoàn toàn.
- Thuốc phòng trị: Regent 0.3G, Padan 4G, Basudin 10H, Lorsban 15G, Marshal 200SC,...
+ Bọ xít hôi
- Thời điểm xuất hiện: từ trổ đến lúa vào chắc.
- Chích vào hạt lúa để lại vết nâu đen, chích hút vào giai đoạn ngậm sữa làm hạt lép.
- Thuốc phòng trị: Bassa 50 EC, Hoppercin 50 EC, Carbosan 25 EC, Marshal 200 SC, Fastac 5 EC, Decis 2,5 EC, Fenbis 25 EC,...
2.2 Bệnh hại
+ Bệnh khô vằn:
- Bệnh khô vằn do nấm gây ra và phát triển mạnh ở vụ Hè Thu vào giai đoạn sau khi đẻ nhánh tối đa, hoặc khi tán lúa vừa phủ kín mặt ruộng (35-40 NSS).
Để phòng trừ bệnh này cần áp dụng các biện pháp sau đây:
- Vệ sinh đồng ruộng nhằm làm sạch cỏ và các tồn dư của vụ trước.
- Xử lý đất bằng biện pháp cày phơi ải hoặc cho đất ngập nước trong thời gian 15-30 ngày để diệt mầm bệnh.
- Diệt cỏ dại mang mầm bệnh chung quanh ruộng và trên các bờ đê, chú ý nguồn nước trên kênh rạch có nhiều lục bình mang bệnh, hạch khuẩn sẽ theo nước đi vào ruộng, khi dùng nguồn nước này cần cho qua lưới để hạch khuẩn không vào ruộng được.
- Sử dụng thuốc hoá học: không cần phải phun hết cả ruộng mà chỉ phun cục bộ ở từng điểm có bệnh. Sử dụng các loại thuốc sau để phòng trị bệnh: Validacin 3L hoặc 5L, Anvil 5SC, Pulsor 23F, Bonansa 100SL, Nustar 40EC, Hạt vàng 50WP, Rovral 50WP,…
+ Bệnh bạc lá (cháy bìa lá)

- Bệnh bạc lá do vi khuẩn gây ra, bệnh thường phát triển và gây hại nặng vụ Hè Thu trong giai đoạn 40 NSS trở đi. Bệnh lây lan qua con đường hạt giống. Để phòng trị bệnh chủ yếu sử dụng giống chống chịu kết hợp với xử lý hạt giống như đã khuyến cáo. Tránh bón thừa đạm khi phát hiện trên ruộng có triệu chứng bệnh.
- Sử dụng một trong các loại thuốc sau để trị bệnh như Kasumin 2L, Norshield 86.2 WG, Kasuran 47 WP, Canthomil 47 WP,Fortamin 2L, Kocide 61 DF, Champion 77 WP….
+ Bệnh đạo ôn (cháy lá)
- Xuất hiện quanh năm ở các vùng khí hậu khác nhau. Gây hại trên , thân, cổ bônggié lúa từ giai đoạn mạ cho đến khi lúa chín sáp.
- Trên lá: vết bệnh có hình thoi rộng ở giữa, nhọn ở 2 đầu như hình mắt én, xung quanh viền màu nâu, giữa có tâm xám trắng, khi bệnh nặng các vết bệnh nối liền nhau thành vết lớn và ruộng lúa bị bệnh nặng có thể làm lá cháy rụi từng đám.
- Trên thân: bắt đầu vết bệnh là một chấm nhỏ màu đen về sau lớn dần bao quanh thân, làm cho thân thắt lại, thường làm thối cổ lá và đốt rất dễ gãy.
- Trên bông: xuất hiện ở cổ bông, thường xuất hiện muộn khi lúa đã vào chắc sẽ gây tình trạng gãy cổ gié lúa và bông bạc.

- Thuốc phòng trị: Kitazin 50 EC, Fujione 40 EC, Fuan 40EC, Beam 75WP, Trizole 20 WP, Flash 75WP, Hagro-BLAST 75WP, Kasai 21,2 BHN, Rabcide 20SC hoặc 30 WP, Vikita 50 ND hoặc 10 H,...

2.3 Chuột và Ốc bươu vàng
+ Phòng trừ chuột
Phối hợp nhiều biện pháp cùng 1 lúc: thời vụ tập trung, vệ sinh đồng ruộng, đặt bẫy, đào hang, bỏ khí đá vào hang, bơm nước vào hang, dùng chó săn bắt.
+ Phòng trừ ốc bươu vàng
Cần thực hiện các biện pháp quản lý phòng trừ ốc bươu vàng trước khi xuống giống.
- Dùng lưới mịn để bắt ốc trước khi gieo sạ hoặc bắt bằng tay.
- Diệt trứng ốc trong ruộng, bờ mương quanh ruộng trước khi sạ lúa hoặc diệt ốc bằng thuốc hóa học. Vệ sinh ruộng thật kỹ, tu sửa bờ thật tốt.
- Cắm những cây rò theo rãnh để nhử ốc bươu vàng đẻ trứng và 1-2 ngày thu gom trứng một lần.
- Sử dụng thuốc diệt ốc khi ốc có mật số cao và ốc nhỏ chiếm đa số. Nên chọn thuốc đặc trị như: Abuna 15 WG, Mossade 700 WP, Hellix 500 WP, Snailicide 250 EC, Yellow- K 10 BR, Bayluscide.
- Không sử dụng các loại thuốc có chứa hoạt chất Endosulfan như Thasodant, Tigiodan, Endosol, Cyclodan hoặc Sulphat đồng (phèn xanh) để diệt ốc, vì gây ô nhiễm môi trường nước, hủy diệt cá mạnh, gây hại cho người, nếu sử dụng phèn xanh sẽ diệt hệ vi sinh có lợi trong đất, sử dụng lâu dài sẽ làm chai đất.
Cần lưu ý:
- Các loại thuốc giới thiệu ở các phần trên đây chỉ là những tên thuốc thường dùng hiện nay trong số rất nhiều tên thuốc hiện có trên thị trường, bà con nông dân có thể lựa chọn sử dụng các loại thuốc đã có trong danh mục được phép kinh doanh theo hướng dẫn của ngành BVTV. Cần chọn các loại thuốc phù hợp các đối tượng gây hại và đang kinh doanh ở địa phương.
- Phải thực hiện tốt 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV:
+ Đúng thuốc: chọn đúng loại thuốc có ghi đối tượng cần trừ trên nhãn thuốc.
+ Đúng liều lượng: tuân thủ theo đúng liều lượng thuốc cần sử dụng trên một đơn vị diện tích, ghi trên nhãn thuốc. Chú ý đến giai đoạn sinh trưởng của lúa (lúa còn non hay đã che tán) để pha đủ lượng nuớc thuốc cần phun trên 1 đơn vị diện tích.
+ Đúng lúc: phun thuốc vào đúng giai đọan phát dục của sâu, rầy hoặc khi bệnh chớm xuất hiện, có ghi rõ trên nhãn thuốc.
+ Đúng cách: phun thuốc vào đúng vị trí sâu bệnh đang phát sinh gây hại; ví dụ như phun thuốc trừ rầy nâu thì phải hướng vòi phun vào sát gốc lúa; phun thuốc trừ bệnh đạo ôn thì phun kỹ trên ngọn lá và dưới mặt lá.

Phần 5
THU HOẠCH, SAU THU HOẠCH
VÀ TỰ CHUẨN BỊ GIỐNG CHO VỤ SAU

1. Thu hoạch
1.1 Kỹ thuật thu hoạch
- Thời gian thu hoạch: thu hoạch vào lúc sau trỗ 28-32 ngày hoặc khi thấy 85-90% số hạt trên bông đã chín vàng. Nếu cắt sớm hay trễ đều làm tăng tỷ lệ hao hụt.
- Các phương tiện thu hoạch lúa đang áp dụng:
+ Bằng liềm: là phương pháp cổ truyền và thích hợp với mọi tình huống lúa đứng, lúa ngã. Nhược điểm là năng suất lao động thấp, hao hụt nhiều và bị áp lực lao động thời vụ.
+ Bằng máy cắt cỏ cải tiến: đang thử nghiệm, công suất 0,5 ha/ngày.
+ Bằng máy cắt xếp dãy: ngày càng được áp dụng nhiều, giảm được thất thoát và giảm áp lực lao động thời vụ.

+ Bằng máy gặt - đập liên hợp: loại máy này cần được khuyến khích, tuy nhiên giá mua máy còn cao; cần rút nước thật khô để đất cứng.
- Sau khi cắt tiến hành suốt ngay, không nên phơi mớ trên ruộng.
- Sử dụng máy đập lúa trục dọc (tuốt lúa, máy nhai) để suốt lúa.
1.2 Giới thiệu một số máy thu hoạch
Tháng 7/2006 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức bình tuyển lựa chọn giới thiệu vào sản xuất những mẫu máy tốt cho ĐBSCL, kết quả các máy đoạt giải bao gồm:
+ Máy gặt đập liên hợp mã hiệu GĐLH –154, năng suất 0,30 ha/giờ; tỷ lệ hao hụt 1,75% của Cơ sở tư nhân Chín Nghĩa, địa chỉ Ấp 1, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
+ Máy gặt đập liên hợp mã hiệu MGĐ-120, năng suất 0,176 ha/giờ, tỷ lệ hao hụt 2,56% của Cty TNHH nhà nước 1 thành viên chế tạo động cơ (Vinappro-Bộ Công nghiệp); đường số 2, khu công nghiệp Biên Hoà 1, tỉnh Đồng Nai.
+ Máy liên hợp thu hoạch lúa Trung Quốc mã hiệu 4LZ- 2.0 năng suất gặt 0,5 - 1,12 ha/giờ, tỷ lệ hao hụt <3,28%>