Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG SẮP XẾP MÙA VỤ SẢN XUẤT LÚA CÁC TỈNH ĐBSCL VÀ ĐNB

THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG

SẮP XẾP MÙA VỤ SẢN XUẤT LÚA CÁC TỈNH ĐBSCL VÀ ĐNB

I Thực trạng mùa vụ sản xuất lúa tại ĐBSCL và ĐNB năm 2007

1. Thực trạng mùa vụ Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long với 6 tiểu vùng sinh thái là Đồng Tháp Mười; Tứ giác Long Xuyên; Phù sa giữa sông Tiền, sông Hậu; Tây sông Hậu; Ven biển Nam bộ và Bán đảo Cà Mau. Từng tiểu vùng có điều kiện tự nhiên về đất đai, thời tiết, khí tượng thủy văn, hệ canh tác, kỹ thuật, tập quán canh tác… khác nhau do vậy mùa vụ canh tác lúa cũng mang tính đặc thù của từng tiểu vùng.

Sản xuất lúa tại ĐBSCL còn chịu ảnh hưởng rất lớn của đặc điểm thời tiết, khí hậu Nam bộ, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 (tập trung vào giữa vụ Hè Thu và trong vụ Thu Đông), mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau (cuối vụ Mùa và vụ Đông Xuân) gây hiện tượng thừa, thiếu nước trong từng vụ.

Ngoài ra còn có một mùa lũ từ sông Mê Kông bắt đầu từ tháng 7, 8 và đỉnh cao vào tháng 9, 10 hàng năm ảnh hưởng đến một vùng sản xuất lúa rộng lớn.

Các tỉnh ven biển còn chịu ảnh hưởng của sự xâm nhập mặn bắt đầu vào khoảng nửa cuối tháng 12 đầu tháng 1 năm sau và kết thúc vào cuối tháng 4 khi bắt đầu mùa mưa.

Việc xuống giống lúa của một số tỉnh nam quốc lộ 1 và một phần bắc quốc lộ 1 còn chịu ảnh hưỏng của chế độ bán nhật triều biển Đông phải xuống giống vào chỉ 2 đợt trong tháng theo lịch triều cường (nước kém xuống giống để nước lớn đưa nước vào ruộng).

Trong từng vùng sản xuất nhỏ của từng địa phương, địa hình đất đai không đồng đều có nơi cao, nơi thấp, vùng triền trũng đan xen, các thành phần đất khác nhau, nhiễm phèn nhẹ, trung bình, đến nhiễm nặng, đất xám, đất thịt, đất pha cát… Nên việc xuống giống cũng tuân theo địa hình này.

Tất cả những yếu tố này làm cho thời vụ xuống giống, chăm sóc và thu hoạch lúa rất nghiêm ngặt trong từng vùng, từng vụ lúa. Tuy vậy, dù đã cố gắng sắp xếp thời vụ cho phù hợp nhưng hàng năm vẫn còn có một phần diện tích bị thiệt hại do những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết gây ra.

Thời vụ lúa mang tính đặc thù của từng địa phương, từng vùng sản xuất nhỏ nên hầu hết các tỉnh đều chia diện tích sản xuất lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp của tỉnh nói chung ra làm nhiều tiểu vùng sinh thái khác nhau từ đó bố trí cây trồng và cơ cấu mùa vụ cho phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái trong địa phương.

Thời vụ lúa hiện nay, nhìn chung chịu ảnh hưởng rất lớn từ đặc điểm của những tiểu vùng sinh thái, từ sự chủ động nguồn nước ở các hệ thống kênh mương thủy lợi hoặc từ nguồn nước trời, từ sự đầu tư cho sản xuất của từng hộ gia đình và những tác động vào cơ sở hạ tầng của nhà nước như hệ thống giao thông, đê bao, thủy lợi…

Trong nhiều năm qua, do điều kiện tự nhiên, ưu thế của từng vùng và do sự phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương mà hình thành cơ cấu cây trồng và thời vụ lúa khác nhau trong năm. Hệ thống mùa vụ lúa của các tỉnh ĐBSCL đã trở nên rất phức tạp, theo thống kê từ các Sở NN & PTNT, năm 2007 thời vụ lúa như sau:

1.1 Vụ Đông Xuân 2006 – 2007, diện tích: 1.502.504 ha

+ Xuống giống trong tháng 10 đến 15/11: 244.623 ha

(Riêng xuống giống từ 1/8 đến 30/10: 89.176 ha)

Gồm các địa phương: Vùng Nam Long An và huyện Đức Huệ (Long An), Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành (Tiền Giang), Trà Ôn, Vũng Liêm (Vĩnh Long), Chợ Lách, Châu Thành (Bến Tre), Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành (Kiên Giang), Cái Răng, Thốt Nốt (Cần Thơ), Phụng Hiệp, Ngã Bảy, Long Mỹ (Hậu Giang), Mỹ Tú, Kế Sách, Thạnh Trị, Ngã Năm (Sóc Trăng), Hồng Dân (Bạc Liêu).

+ Xuống giống từ 25/11 đến 05/01/2007: 1.196.720 ha

Hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

+ Xuống giống từ 5/01 đến 30/01/2007: 63.151 ha

Gồm các địa phương: TP Mỹ Tho, Chợ Gạo, TX Gò Công (Tiền Giang), Châu Thành, Mõ Cày, Giồng Trôm (Bến Tre), Kiên Lương, Hòn Đất, TP Rạch Giá, Châu Thành (Kiên Giang), Cầu Kè, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (Trà Vinh)

1.2 Vụ Hè Thu 2007, diện tích: 1.543.204 ha

+ Xuống giống từ 4/01 đến 10/4: 156.567 ha

Gồm các địa phương: Thủ Thừa ( Long An), Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành (Tiền Giang), Châu Thành, Mõ Cày (Bến Tre), Châu Thành, Gò Quao (Kiên Giang), Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt (Cần Thơ), Trà Ôn, Vũng Liêm (Vĩnh Long), TP Sóc Trăng, Ngã Năm, Long Phú (Sóc Trăng), 1 phần Hậu Giang, 1 phần Trà Vinh.

+ Xuống giống từ 20/4 đến 10/6: 1.258.431 ha

Hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

+ Xuống giống từ 15/6 đến 30/6 128.206 ha

Gồm các địa phương: Rãi rác các huyện của tỉnh Sóc Trăng, Cái bè, Cai Lậy, Châu thành, Giồng Trôm, Ba Tri (Bến Tre)

1.3 Vụ Thu Đông 2007, diện tích ước 340.000 ha

+ Xuống giống trong tháng 6: 76.000 ha

Gồm các địa phương: Trà Ôn, Vũng Liêm, Bình Minh (Vĩnh Long)

+ Xuống giống trong tháng 7-8: 220.000 ha

+ Xuống giống trong tháng 9: ước 55.000 ha

1.4 Vụ Mùa, diện tích ước 360.00 ha

+ Mạ mùa trong tháng 6: 10.000 ha

+ Xuống giống (Cấy, Sạ) trong tháng 7-8: 250.000 ha

+ Xuống giống trong tháng 9: 100.000 ha

1.5 Tổng hợp chung

+ Đông Xuân: xuống giống từ: 01/10 đến 30/01.

Tổng thời gian xuống giống là 120 ngày.

+ Hè Thu: xuống giống từ: 04/01 đến 30/06.

Tổng thời gian xuống giống là 175 ngày

+ Thu Đông: xuống giống từ: 15/6 đến 30/9

Tổng thời gian xuống giống là 105 ngày

+ Mùa: xuống giống từ: 15/6 đến 30/9 (kể cả thời gian mạ, sạ)

Tổng thời gian xuống giống là 105 ngày

2. Thực trạng mùa vụ Đông Nam Bộ

2.1 Vụ Đông Xuân 2006 – 2007, diện tích 97.017 ha

+ Xuống giống trong tháng 10: 2.349 ha

+ Xuống giống từ 1/11 đến 25/12: 16.410 ha + Xuống giống từ 25/12 đến 05/01 năm sau: 49.630 ha

+ Xuống giống từ 05/01 đến 30/1: 28.588 ha

2.2 Vụ Hè Thu, diện tích 124.103 ha

+ Xuống giống trong tháng 3: 10.700 ha

+ Xuống giống từ 20/4 đến 10/5: 7.979 ha

+ Xuống giống từ 20/5 đến 10/6: 78.522 ha

+ Xuống giống từ 15/6 đến 5/7: 26.911 ha

2.3 Vụ Mùa, diện tích ước 220.000 ha

+ Mạ mùa trong tháng 6 1.500 ha

+ Xuống giống trong tháng 7-8 150.000 ha

+ Xuống giống trong tháng 9 50.000 ha

1.5 Tổng hợp chung:

+ Đông Xuân: xuống giống từ: 15/10 đến 30/01.

Tổng thời gian xuống giống là 105 ngày.

+ Hè Thu: xuống giống từ: 15/3 đến 05/7.

Tổng thời gian xuống giống là 110 ngày

+ Mùa: xuống giống từ: 15/6 đến 30/9 (kể cả thời gian mạ, sạ)

Tổng thời gian xuống giống là 105 ngày

( Xem sơ đồ sự liên kết mùa vụ lúa)

3. Những vấn đề đặt ra cho Đồng bằng sông Cửu Long

+ Tổng thời gian xuống giống của một vụ lúa quá dài:

- Vụ Hè Thu có thời gian xuống giống là 175 ngày, thật ra mùa vụ này nối tiếp từ vụ Xuân Hè (Hè Thu sớm) xuống giống trong các tháng 1, 2, 3 diện tích hàng năm khoảng 300.000 ha, riêng năm 2007 do xuống giống tập trung và gom vụ nên giảm xuống còn khoảng 150.000 ha, khoảng 150.000 ha còn lại đã xuống giống vào Hè Thu chính vụ.

- Vụ Đông Xuân có thời gian xuống giống 120 ngày, Diện tích xuống giống trong tháng 10, đầu tháng 11 khoảng 245.000 ha và trong tháng 01 khoảng 65.000 ha.

- Vụ Thu Đông và Vụ Mùa trùng lấp về thời gian xuống giống, đây là vụ lúa phức tạp nhất trong năm. Nhiều địa phương gọi là vụ Mùa, xuống giống cả lúa mùa địa phương, lúa trung mùa và lúa ngắn ngày (100 ngày) gọi chung là vụ mùa, vụ lúa này có nơi là vùng sản xuất 3 vụ trong năm (Vụ 3), có nơi là vùng sản xuất lúa – Tôm sú (lúa – tôm), có nơi sản xuất trên nền đất Hè Thu (vùng sản xuất 2 vụ)… Vì vậy việc thống kê và chia mùa vụ chưa được thống nhất giữa các địa phương.

+ Sự liên tiếp của mùa vụ, gối vụ:

- Nhìn vào thời vụ và tổng thời gian xuống giống của từng vụ thì Đồng bằng sông Cửu Long tháng nào trong năm cũng có xuống giống và thu hoạch lúa. Vụ lúa trước chưa xuống giống dứt điểm thì vụ lúa sau đã xuống giống tiếp theo, ngay cả trong một vụ khi chưa xuống giống dứt điểm thì đã có thu hoạch lúa của vụ đó.

- Trong từng vụ việc xuống giống sớm hơn hay muộn hơn thời vụ chính khoảng 300.000 ha là vấn đề cần thiết quan tâm.

- Trong cùng một vụ lúa luôn có những trà lúa lúa với thời gian sinh trưởng khác nhau dễ làm cầu nối cho các loại dịch hại tấn công.

+ Đặc điểm của thời gian chuyển tiếp giữa 2 vụ lúa:

- Vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm không có thời gian giãn cách đủ dài để làm đất và vệ sinh đồng ruộng nhất là thời gian từ vụ Hè Thu sang Thu Đông và từ vụ Thu Đông sang Đông xuân. Điều này dễ dẫn đến những ảnh hưởng bất lợi trong giai đoạn đầu của cây lúa.

- Vùng sản xuất 2 vụ, có thời gian đủ dài để cải tạo đồng ruộng nhưng trong những năm gần đây khâu làm đất ít được quan tâm.

+ Đặc điểm của một số vùng sản xuất đặc thù:

- Một số vùng sản xuất 2 vụ lúa, một vụ màu, hoặc 2 vụ màu một vụ lúa, vùng sản xuất luân canh lúa tôm… Mùa vụ lúa thường không thống nhất với mùa vụ chung.

- Một số vùng gặp khó khăn về nước tưới đầu vụ Hè Thu hoặc hoàn toàn bị ảnh hưởng lũ vào cuối vụ Thu Đông nên thời gian xuống giống tùy thuộc cả vào thời điểm mưa và thời điểm lũ.

4. Nguyên nhân

- Sự hình thành mùa vụ như hiện nay tại Đồng bằng sông Cửu Long là do trong một thời gian dài thời vụ sản xuất lúa không được quan tâm đúng mức. Một phần do nông dân tự phát, một phần do kênh mương, thủy lợi và hệ thống thủy lợi nội đồng trong nhiều năm đã bị xuống cấp…

- Có nhiều hệ thống canh tác khác nhau đưa vào sản xuất và thiếu sự quy hoạch đồng bộ cho từng vùng, từng khu vực.

- Nhiều giống lúa ngắn ngày cho năng suất cao, giá lúa có lãi thúc đẩy nông dân gia tăng diện tích gieo trồng/năm.

- Trong thời gian dài không có những dịch hại gây ra trên diện rộng như rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá như trong thời gian vừa qua nên chưa nâng cao cảnh giác về sự lây lan do yếu tố thời vụ.

-Việc cơ giới hóa trong các khâu sản xuất lúa còn kém nên việc tập trung mùa vụ gây khó khăn cho công tác phục vụ sản xuất.

II. Định hướng sắp xếp mùa vụ năm 2008 và những năm tới

1. Sự cần thiết – cơ sở sắp xếp mùa vụ - thuận lợi, khó khăn

+ Thời vụ tập trung sẽ hạn chế sự lây lan của dịch hại, chủ động trong chỉ đạo sản xuất lúa của địa phương và nông dân ít tốn các chi phí cả về phòng trừ dịch hại, làm đất, tưới tiêu như hiện nay

+ Thời gian dãn cách, cơ giới hóa khâu làm đất, vệ sinh, cải tạo đồng ruộng đã từng được áp dụng trong thời gian dài khoảng thập kỹ 80 của thế kỹ trước và đã mang lại nhiều hiệu quả đáng kể.

+ Việc sắp xếp lại mùa vụ dựa vào điều kiện tự nhiên của các vùng sinh thái, hiện trạng thủy lợi và những định hướng cho sự phát triển trồng lúa bền vững và hiệu quả.

+ Hạn chế những bất lợi của thời tiết, khí tượng thủy văn, dịch hại… khi bố trí thời vụ không phù hợp.

2. Nguyên tắc

+ Tập trung, đồng loạt từng vùng, từng cánh đồng

+ Thời gian giãn cách giữa hai vụ lúa tối thiểu 3 tuần cho vùng 3 vụ lúa/năm.

3. Đề nghị khung thời vụ chung

3.1 Cơ sở đề nghị khung thời vụ

a. Dựa vào tình hình phát sinh, phát triển của các loại dịch hại nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trong những vụ gần đây. Cần thiết phải cách vụ, giãn vụ, gom vụ để cách ly vòng đời, giảm mật số rầy, hạn chế dịch bệnh.

b. Tùy theo cơ cấu mùa vụ của từng vùng sản xuất. Ví dụ: cơ cấu 2 vụ lúa: ĐX – HT, cơ cấu 3 vụ lúa: ĐX – HT – TĐ hoặc cơ cấu ĐX – HT – Màu ... Xác định thời vụ của vụ trước sẽ liên quan đến thời vụ của vụ sau (Cơ cấu 2 vụ lúa chủ động lịch thời vụ hơn cơ cấu 3 vụ).

c. Căn cứ vào điều kiện thời tiết, khí tượng, thủy văn… Những vùng chịu ảnh hưởng và không chịu ảnh hưởng của ngập lũ, những vùng sản xuất theo nước mưa, những vùng ảnh hưởng của thủy triều biển Đông, những vùng có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, chủ động tưới tiêu… (Vùng chủ động nước sẽ bố trí lịch thời vụ theo ý muốn, vùng không chủ động nước bố trí theo việc thoát lũ, nước mưa, thủy triều…).

d. Dựa vào đặc điểm đất đai của từng vùng, đất phèn, đất nhiễm mặn, đất gò cao, triền, trũng… (đất gò cao xuống giống sớm hơn đất triền, trũng trong vụ Đông Xuân nhưng xuống giống muộn hơn trong vụ Hè Thu. Đất nhiễm phèn, mặn phải có thời gian rửa phèn mặn trước khi xuống giống).

e. Dựa vào tập quán canh tác và mùa vụ truyền thống của từng vùng có sự điều chỉnh cho phù hợp (phương pháp làm đất: có làm đất hay không, phơi ải hay ngâm rũ, ... ảnh hưởng đến thời gian xuống giống).

f. Vấn đề lao động theo mùa vụ, tính chất cơ giới hóa trong sản xuất là tiêu chí cần quan tâm trong việc bố trí thời vụ.

g. Giá cả thu mua lúa vào các thời điểm khác nhau sẽ tác động đến việc bố trí cơ cấu thời vụ (ví dụ: lúa ĐX thu hoạch trước Tết nguyên đán sẽ có giá cao hơn lúa thu hoạch sau Tết dẫn đến việc gieo sạ ĐX sớm – tháng 10 dl).

3.2 Khung thời vụ chung cho năm 2008

3.2.1 Đồng bằng sông Cửu Long

a.Vùng 2 vụ lúa

+ Vụ Đông Xuân – Hè Thu

- Đông Xuân: từ 1/11 đến 30/12

- Vụ Hè Thu: từ 1/5 đến 30/6

+ Vụ Hè Thu – Mùa

- Vụ Hè Thu: từ 15/4 đến 15/5

- Vụ Mùa:

Mùa (Giống địa phương): mạ tháng 7, cấy tháng 8, 9

Mùa (Giống cao sản): xuống giống 15/8 đế 15/9

b. Vùng 3 vụ lúa: Đông Xuân – Hè Thu – Thu Đông

- Vụ Đông Xuân: từ 10/11 đến 30/12

- Vụ Hè Thu: từ 15/4 đến 15/5

- Vụ Thu Đông: từ 20/7 đến 20/9

c. Một số vùng sản xuất đặc thù: lúa – tôm sú; lúa + thủy sản; lúa màu; lúa mùa một vụ…

- Nguyên tắc chung của những vùng sản xuất này là lấy mùa vụ lúa làm vụ chính, các vụ màu bố trí theo canh tác lúa.

- Vùng lúa – tôm sú thì sản xuất lúa trùng với vụ mùa, tuy nhiên cần quan tâm dến việc sử dụng giống cho phù hợp.

3.2.2 Đông Nam Bộ

+ Vụ Đông Xuân – Hè Thu:

- Vụ Đông Xuân: từ 1/12 đến 20/1

- Vụ Hè Thu: từ 1/5 đến 20/6

+ Vụ Hè Thu – Mùa:

- Vụ Hè Thu: xuống giống từ 5/5 đến 20/6

- Vụ Mùa:

Đối với giống lúa mùa địa phương trên chân đất 1 vụ: xuống giống trong tháng 6-7 hoặc làm mạ tháng 6-7 cấy trong tháng 7-8.

Đối với giống trung mùa hoặc cao sản ngắn ngày trên chân đất Hè Thu: xuống giống trong tháng 8 chậm nhất là tháng 9, canh thời gian trổ cùng lúc với lúa mùa.

III. Đề nghị thời vụ và cơ cấu giống cho vụ Đông Xuân 2007 – 2008.

1 Thời vụ

1.1. Đồng bằng sông Cửu Long

Khung thời vụ chung theo các vùng sinh thái

Tiểu vùng

Địa hình

Thời vụ ĐX

2006-2007 (dương lịch)

1. Vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền và sông Hậu

Gò cao

1/11 – 20/11

Trũng

15/11/ - 15/12

2. Vùng Tây sông Hậu

Gò cao

15/11 - 30/11

Trũng

1/12 - 25/12

3. Tứ giác Long Xuyên

Gò cao

20/11 - 30/11

Trũng

28/11 - 5/01

4. Vùng Đồng Tháp Mười

Gò cao

20/11 - 30/11

Trũng

28/11 - 5/01

5. Vùng bán đảo Cà Mau

Gò cao

1/12 - 15/12

Trũng

15/12 - 30/12

6. Vùng ven biển Nam Bộ

Gò cao

1/11 - 15/11

Trũng

15/11 - 15/12

1.2. Đông Nam Bộ

Khung thời vụ chung Xuống giống từ 1/11 đến 15/01

IV. Một số giải pháp hỗ trợ cho việc sắp xếp lại mùa vụ

1. Thủy lợi:

- Thủy lợi là yếu tố quyết định cho việc bố trí thời vụ lúa, tùy theo tình hình thực tế của địa phương mà việc bố trí thời vụ tuân theo quy luật tự nhiên và hệ thống kinh mương thủy lợi. Thủy lợi cần đảm bảo các yêu cầu đủ nước tưới trong đầu vụ Hè Thu, tiêu nước tốt trong vụ Đông Xuân và không bị ngập úng trong vụ Thu Đông. Trong thực tế chưa có nhiều vùng sản xuất đáp ứng các yêu cầu này nên cần cũng cố và khai thác, điều tiết một cách hợp ly các công trình thủy lợi, có kế hoạch tu sửa, nâng cấp thủy lợi nội đồng cho từng vùng thì mới đáp ứng được nhu cầu chủ động bố trí thời vụ lúa.

- Trong từng vùng sinh thái các yếu tố thủy lợi đáp ứng cho những mục tiêu khác nhau vì vậy việc quy hoạch và khai thác cho từng vùng cần phải chú y đến hiệu quả các công trình.

- Các vùng có hệ thống canh tác khác như lúa + thủy sản, lúa – màu cần chú hài hòa các lợi ích về thủy lợi cho từng loại cây trồng và có kế hoạch khai thác bền vững, lâu dài.

2. Giống:

- Giống lúa quyết định trong việc bố trí mùa vụ, chọn các giống phù hợp cho vùng sản xuất 3 vụ/ năm ( phải ngắn ngày ≤ 90 ngày, cho năng suất và chất lượng cao đồng thời phải chống chịu được với một số dịch hại quan trọng.)

- Vùng sản xuất 2 vụ lúa/ năm có thể chọn những giống lúa dài ngày hơn 100 – 110 ngày, tuy nhiên cần phải sử dụng giống có thời gian sinh trưởng giống nhau trên cùng một cánh đồng, tiến tới việc sử dụng giống đồng nhất, chất lượng cao trên cùng cánh đồng để nâng cao giá trị hàng hóa.

- Vùng sản xuất lúa mùa 1 vụ, lúa – tôm, lúa + thủy sản có thể sử dụng các giống lúa mùa chất lượng cao, những giống cho chất lượng thấp, nhiễm sâu bệnh cần được thay thế bằng các giống lúa trung mùa chất lượng cao, giống lúa lai năng suất cao để điều chỉnh thời vụ cho phù hợp và gia tăng thu nhập.

3. Khuyến Nông, BVTV:

- Thời vụ lúa có liên quan chặt chẽ đến BVTV, vì vậy khi bố trí thời vụ cần theo dõi khuyến cáo và dự báo của ngành BVTV để hạn chế sự lây lan và gây hại của sâu bệnh.

- Sắp xếp và điều chỉnh mùa vụ lúa là công việc lâu dài và cần được sự đồng tình nhất trí cao của nông dân, cần tuyên truyền và khuyến cáo sâu rộng trong nông dân để cùng với các cơ quan chuyên môn điều chỉnh thời vụ cho hợp ly và có lợi, tránh trường hợp cứng nhắc gây thiệt hại cho một bộ phận nông dân sẽ gây ảnh hưởng đến việc chỉ đạo thời vụ chung.

4. Cơ giới hóa: cày, xới, sạ, gặt đập liên hợp:

- Khâu cơ giới có tác động trực tiếp đến việc bố trí mùa vụ lúa, khi các phương tiện làm đất và thu hoạch còn chưa đủ đáp ứng yêu cầu cho việc bố trí thời vụ lúa thì việc tập trung xuống giống sẽ gặp nhiều khó khăn, khi xây dựng lịch thời vụ cần cân đối số lượng máy, nhân công lao động để bố trí cho phù hợp, vụ Hè Thu sẽ thiếu sân phơi, lò xấy lúa nên bố trí tập trung cần xem xét yếu tố này.

- Cần có chính sách khuyến khích đầu tư cho các tổ chức, nông hộ đều tư cơ giới hóa, tiến tới việc đáp ứng đủ yêu cầu cho việc bố trí thời vụ tập trung, đồng loạt.

5. Bảo quản, tiêu thụ:

- Trong nhiều năm qua, các kho chứa có khối lượng lớn đã không còn phát huy hiệu quả, việc tiêu thụ lúa tại đồng ruộng chủ yếu do các nhà máy, hộ tư nhân, vệ tinh của hệ thống công ty lương thực, việc thu mua thuận lợi vì đáp ứng được tập quán bán lúa tại đồng của nông dân, tuy nhiên năng lực nhỏ, nguồn vốn thấp, sức tiêu thụ có hạn là yếu tố hạn chế của hệ thống thu mua này, trong khi các tổ hợp tác, hợp tác xã còn ít, yếu thì việc cũng cố các hình thức liên kết trong tiêu thụ lúa là rất cần thiết.

- Việc tồn trữ lúa trong dân sẽ làm cho chi phí tăng cao (bốc xếp, bao bì, bão quản, tiêu tốn nhiều lao động…). Vì vậy chủ động trong việc tiêu thụ lúa khi xuống giống tập trung, đồng loạt là vấn đề thực sự khó khăn, không chỉ ảnh hưởng đến giá cả ( do sản lượng nhiều cùng lúc) mà còn làm giảm chất lượng lúa, ảnh hưởng đến thu nhập nông dân mà còn ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong khi chưa có những giải pháp khắc phục ngay thì phương thức thu mua và gởi lại nông dân theo thỏa thuận của các đơn vị, cơ sở tiêu thụ lúa có thể là một giải pháp được xét đến.


SƠ ĐỒ SỰ LIÊN KẾT MÙA VỤ LÚA TẠI ĐBSCL

MÙA VỤ

T 10

T 11

T 12

T 1

T 2

T 3

T 4

T 5

T 6

T 7

T 8

T 9

Đông Xuân

Xuống giống

Thu hoạch

Hè Thu

Xuống giống

Thu hoạch

Thu Đông

Xuống giống

Thu hoạch

Mùa

Xuống giống

Thu hoạch