Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

Ý kiến kết luận của Thứ trưởng Bùi Bá Bổng tại cuộc họp giao ban “Sản xuất lúa, phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn –lùn xoắn lá vụ Đông Xuân 2009-2010


Ngày 21/12/2009 tại Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức họp giao ban “Sản xuất lúa, phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá vụ Đông Xuân 2009-2010 ở Nam Bộ”. Thành phần gồm đại diện lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khu vực Nam Bộ, các cơ quan thuộc Bộ có liên quan, đại diện một số Viện trường, Hội.
Sau báo cáo của Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, các Sở, thảo luận của các đại biểu, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đã có ý kiến kết luận cuộc họp như sau.
1. Thuận lợi và khó khăn trong sản xuất lúa Đông Xuân 2009-2010 ở Nam Bộ
Tính đến thời điểm hiện nay, diện tích lúa Đông Xuân 2009-2010 đã xuống giống trên 1 triệu ha (80% diện tích của vụ), diện tích còn lại khoảng 500.000 ha sẽ gieo sạ đợt sau cùng vào cuối tháng 12/2009 đến đầu tháng 1/2010. Như vậy, thời vụ gieo sạ nằm trong khung thời vụ lý tưởng của Vụ Đông Xuân, ngoài ra diện tích lúa Đông Xuân sớm (sạ trong tháng 10) chiếm tỷ lệ thấp và sạ tập trung. Hiện nay lúa được giá khuyến khích nông dân chăm sóc lúa tốt hơn.
Những khó khăn trong sản xuất lúa Đông Xuân 2009-2010 ở Nam Bộ bao gồm:
- Theo dự báo, vụ Đông Xuân 2009-2010 sẽ bị ảnh hưởng bởi hạn hán và mức độ xâm nhập mặn sâu hơn. Nếu giai đoạn lúa trổ bị hạn hoặc bị xâm nhập mặn, năng suất sẽ giảm nghiêm trọng.
- Tình hình rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá xảy ra mức độ nhẹ trên trà lúa Đông Xuân đã gieo sạ, mật số rầy nâu trên trà lúa mùa cũng ở mức thấp. Tuy nhiên, khả năng bộc phát của rầy nâu khó lường, vì vậy rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá vẫn còn là một nguy cơ trong sản xuất vụ Đông Xuân 2009-2010. Ngoài ra, bệnh đạo ôn luôn đe dọa lúa Đông Xuân, đặc biệt vào thời kỳ truớc, trong và sau Tết Nguyên đán.
- Nông dân đầu tư cao hơn cho sản xuất lúa (do lúa có giá) là thuận lợi nhưng cũng cần lưu ý khả năng xảy ra việc bón thừa phân đạm, sử dụng thuốc BVTV không đúng lúc dẫn đến sâu bệnh bộc phát, lây lan.
3. Những công việc cần tập trung chỉ đạo
a) Đối với diện tích lúa đã sạ
Theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh, nhất là rầy nâu, bệnh VL-LXL, bệnh đạo ôn; theo dõi mật số rầy nâu trên trà lúa mùa, khả năng rầy di trú đến từ Campuchia.
Hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa tốt, trong đó chú ý: không sử dụng thừa phân đạm, hạn chế phun thuốc trừ sâu cuốn lá giai đoạn lúa non.
b) Đối với diện tích sắp sạ
Đảm bảo thời vụ sạ lúa Đông Xuân chấm dứt trước 10/1/2010. Việc phải chấm dứt gieo sạ trước 10/1 rất quan trọng vì càng sạ muộn càng dễ bị ảnh hưởng hạn về sau.
Các địa phương căn cứ số liệu thu thập từ bẫy đèn tại địa phương để xác định thời vụ cụ thể theo hướng sạ tập trung, né rầy. Trường hợp mật số rầy thấp, nên khuyến cáo nông dân sạ để kết thúc thời vụ sớm.
c) Những công việc cần chú ý trong cả vụ
- Đối phó với xâm nhập mặn và hạn hán
Các địa phương cần củng cố hệ thống cống ngăn mặn và bờ bao nội đồng.
Đối với chống hạn, cần tích cực ngay từ đầu vụ: náo vét kinh mương, tu sử trạm bơm, đầu tư phát triển mạng lưới bơm điện.
- Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh
Từ nay đến sau Tết là giai đoạn nhạy cảm nhất đối với lúa Đông Xuân, vì vậy cần giám sát đồng ruộng thường xuyên để phát hiện kịp thời sâu bệnh (chú ý rầy nâu, bệnh VL-LXL, bệnh đạo ôn), chú ý rầy di trú từ lúa mùa sang lúa Đông Xuân.
Hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hiệu quả, đặc biệt không bón thừa phân đạm, sử dụng thuốc BVTV theo “4 đúng”, chú ý hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu ăn lá giai đoạn lúa non để giữ mật số rầy nâu không bộc phát.
Theo dõi việc thực hiện chương trình “3 phải, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa.
Rút kinh nghiệm việc thực hiện mô hình VietGap trên lúa (bao gồm việc nông dân ghi chép Sổ tay theo GAP).
- Các địa phương tiến hành điều tra về cơ cấu giống lúa ngay sau kết thúc gieo sạ vụ Đông Xuân ở từng tỉnh để giúp chỉ đạo việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh phù hợp và định hướng cho việc tiêu thụ; theo dõi việc tổ chức nhân giống lúa tại địa phương, đánh giá hệ thống nhân giống nông hộ.
- Tiếp tục đẩy mạnh thu hoạch lúa bằng máy, tháo gỡ thủ tục để nông dân, doanh nghiệp tiếp cận được chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 48/NQ-CP của Chính phủ ngày 23 tháng 9 năm 2009.
- Thanh, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV và phân bón thường xuyên và đột xuất.
- Đối với các tỉnh ven biển, tổng kết rút kinh nghiệm sản xuất lúa trong cơ cấu lúa - tôm, xác định giống lúa phù hợp cho cơ cấu lúa - tôm.
4. Phân công chỉ đạo
a) Đối với các Sở
Lập chương trình công tác chỉ đạo sản xuất lúa Đông Xuân của địa phương, chú ý các công tác cần tập trung nêu trên, phân công các đơn vị của Sở triển khai thực hiện, thường xuyên báo cáo cho Bộ (qua Cục Trồng trọt), đối với tình hình sâu bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn phải báo cáo kịp thời.
b) Các Cục: Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, Thủy lợi, Chế biến TMNLTS và Nghề muối phối hợp với các địa phương để nắm kịp thời diễn biến sản xuất, đôn đốc thực hiện các biện pháp và đề xuất các chính sách để hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ các thủ tục trong thực hiện các chính sách Nhà nước đã ban hành. Cục Trồng trọt phối hợp với các đơn vị liên quan và các Sở xây dựng báo cáo tổng kết sản xuất lúa năm 2009 ở Nam Bộ và định hướng sản xuất năm 2010 (hoàn thành trong tháng 01/2010).
c) Trung tâm Khuyến nông - KN QG, Viện trường tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất tốt, giới thiệu TBKT mới.
Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai, thực hiện.