CẦN NHÌN NHẬN KHÁCH QUAN VỀ GIỐNG LÚA IR 50404
Giống lúa IR 50404 có nguồn gốc từ Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) được nhập nội vào Việt Nam năm 1990 và được công nhận đặc cách năm 1992. Theo tác giả giống lúa này – Tiến sĩ Đỗ Khắc Thịnh – Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam giống được phóng thích đầu tiên tại huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang và vùng Đồng Tháp Mười của Long An, Đồng Tháp và nhanh chóng lan rộng trong sản xuất lúa cho đến nay. Đây là một trong số rất ít giống lúa tồn tại trong sản xuất gần 20 năm.
Sức sống và sự tồn tại của giống lúa này trong sản xuất cho thấy tính thích nghi và sự chấp nhận của người dân rất cao.
Vì sao giống lúa này tồn tại?
Trước hết đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (85-90 ngày), đẻ nhánh khỏe, cứng cây trung bình, thích hợp nhiều loại đất, phù hợp với các mùa vụ sản xuất trong năm, nhất là vùng sản xuất 3 vụ/năm, cho năng suất cao đạt bình quân từ 7-9 tấn trong vụ đông xuân và 5-6 tấn trong vụ hè thu. Dễ canh tác, chịu được điều kiện thâm canh cao. Đây là những đặc tính mà có rất ít giống có thể đạt được. Tuy nhiên, giống lúa này có hàm lượng amylose cao khoảng 26-27% do vậy thuộc nhóm gạo cứng cơm không thích hợp cho việc nấu ăn của đa số người trong giai đoạn hiện nay, giống bạc bụng nhiều nên khó xuất khẩu vì thuộc nhóm chất lượng thấp; gạo IR 50404 chỉ phù hợp cho việc làm nguyên liệu chế biến các thực phẩm từ bột gạo như bún, bánh canh, bánh tráng, hủ tiếu…
Vì sao khuyến cáo giảm tỉ lệ trồng giống lúa IR 50404?
Phải nhìn nhận rằng, trong khi sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long là sản xuất lúa hàng hóa thì việc gia tăng chất lượng lúa, gạo để xuất khẩu được tốt hơn là hướng đi cần thiết, giống lúa IR 50404 nằm trong nhóm giống có chất lượng thấp nên giá bán không cao, lợi nhuận mang lại không nhiều và sức cạnh tranh kém. Do vậy nếu sản lượng trong năm quá nhiều thì việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sẽ càng gặp thêm nhiều khó khăn và vòng xoay này cứ diễn ra hàng năm.
Một tỉ lệ trồng vừa phải khoảng 10-15 % trong vụ đông xuân với diện tích khoảng 300 ngàn ha sản lượng khoảng 2 triệu tấn lúa ở một số vùng trồng lúa IR 50404 do có thị trường ổn định thu mua để làm thực phẩm chế biến, thu mua để pha trộn vào gạo xuất khẩu là tỉ lệ thích hợp trong nhiều năm qua. Không trồng lúa IR 50404 trong vụ hè thu vì chất lượng rất thấp không thể tiêu thụ nội địa và xuất khẩu được. Do vậy những năm nào tỉ lệ trồng cao hơn 15% trong vụ đông xuân và tiếp tục trồng trong vụ hè thu thì việc tiêu thụ lúa IR 50404 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy để đảm bảo lợi ích cho nông dân và cho xuất khẩu gạo cơ quan chuyên môn và đơn vị chức năng xuất khẩu gạo luôn luôn khuyến cáo sản xuất giống IR 50404 với tỉ lệ không quá 10% diện tích trong vụ đông xuân và hạn chế đến mức tối đa trong vụ hè thu trong canh tác lúa hàng năm.
Có những vụ lúa sản xuất với tỉ lệ vượt quá mưc khuyến cáo thì khó bán, thậm chí không có doanh nghiệp xuất khẩu nào mua. Điều này thường xãy ra trong vụ lúa hè thu và cứ lập lại trong nhiều năm.
Bản thân giống lúa IR 50404 phải chịu nỗi oan khi người ta nhắc đến nó như là nguyên nhân làm trì trệ sản xuất, như là nguyên nhân làm khổ người nông dân mỗi khi không bán lúa được.
Ai cũng đúng!
Bản thân giống lúa IR 50404 đã từng một thời lên ngôi Vương – Hậu trong bình chọn giống, trong sản xuất và là sự lựa chọn số 1 trong kế hoạch mở rộng phát triển lúa vụ thu đông, sản xuất ở vùng khó khăn, vùng phèn Đồng Tháp mười… thập niên 90 của thế kỹ trước và những năm đầu thế kỹ 20. Và bây giờ, nếu như, phải nói thật sự là nếu như có một thị trường xuất khẩu gạo ổn định với việc thu mua khoảng vài triệu tấn gạo IR 50404 với giá có lợi nhuận tương đương với lúa chất lượng cao cho doanh nghiệp và nông dân thì canh tác giống lúa IR 50404 vẫn có thể diễn ra một cách bình thường như bao giống lúa khác. Chúng ta nên biết rằng sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long là sản xuất lúa hàng hóa và chúng ta bán những gì người khác mua chứ không bán những gì chúng ta có. Nhu cầu thị trường quyết định hướng sản xuất. Do vậy giống IR 50404 cũng bình đẵng về mặt thương mại như những giống lúa khác. Nhưng vì hiện không có thị trường tiêu thụ nên buộc phải giảm diện tích cho phù hợp.
Doanh nghiệp có lúc mua lúc không vì thu mua theo nhu cầu cũng như đã nêu ở trên, do vậy lúc nào có thị trường thì mua, lúc nào không có thị trường thì không mua. Nông dân thấy doanh nghiệp mua thì trồng lúc trồng xong doanh nghiệp không có nhu cầu nữa thì lúa bị ế ẩm, dồn vào kho. Sự lệch pha diễn ra như một vòng lẩn quẩn. Nông dân cứ kêu ca, doanh nghiệp thì phớt lờ vì họ không chịu trách nhiệm, nhà nước thì nóng ruột tìm cách hỗ trợ, cơ quan chuyên môn thì bị cấp trên phê bình vì không theo sát sản xuất, không có giải pháp hạn chế diện tích và cơ quan chuyên môn thì trách lại doanh nghiệp, trách nông dân sao không thực hiện theo chỉ đạo, khuyến cáo… Đây là vòng lẩn quẩn thứ hai.
Làm sao kiểm soát được việc sử dụng giống lúa trong sản xuất?
Giống lúa thuần là giống cây trồng người sản xuất có thể tự để giống mà không cần phải mua giống của nhà sản xuất, trừ khi người sản xuất muốn sử dụng giống xác nhận để được tốt hơn. Hiện nay, người sản xuất được quyền sử dụng giống trên ruộng sản xuất của mình mà không bị ràng buộc bởi một quy định nào. Để kiểm soát được việc sử dụng giống lúa IR 50404 nói riêng và các giống lúa khác nói chung cần phải thực hiện nhiều yêu cầu sau:
1. Kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống. Việc kiểm tra này chỉ kiểm soát được 30% lượng giống lúa xác nhận đưa vào sản xuất mỗi vụ.
2. Kiểm tra các tổ hợp tác, tổ sản xuất giống. Việc kiểm tra này chỉ kiểm soát thêm được 30-40% lượng giống lúa xác nhận II đưa vào sản xuất mỗi vụ.
3. Quy hoạch vùng sản xuất tập trung và sản xuất theo đơn đặt hàng, đơn đặt hàng xác định giống lúa phải canh tác trong từng vụ, từng vùng. Điều này hiện nay đang gặp nhiều khó khăn vì chúng ta chưa có những hợp đồng bán hàng theo yêu cầu của khách hàng.
4. Khuyến cáo và tuyên truyền mạnh mẽ, có địa chỉ và diện tích sản xuất trong từng vùng, từng tỉnh và doanh nghiệp cũng chỉ mua số lượng lớn ở những vùng đã quy hoạch. Vùng không quy hoạch thì không tổ chức thu mua. Như vậy sẽ tạo thói quen vùng nguyên liệu IR 50404 mà không lan rộng ra các vùng khác.
Câu chuyện giống lúa IR 50404 sẽ không dừng lại ở đây mà nó sẽ là một bài học có thể sẽ diễn ra với các giống lúa khác, vì những lý do khác nhau có thể không phải vì chất lượng thấp hay cao mà vì tính chống chịu sâu bệnh thấp hoặc có những đặc tính lý hóa không phù hợp với sức tiêu thụ trong tương lai. Những giống lúa là Vương – Hậu hôm nay có thể cũng sẽ phải nhận những điều tương tự như IR 50404 trong tương lai nếu cứ tiếp tục phương thức sản xuất không có sự kiểm soát về giống trong đồng ruộng như hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét