Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Lúa Thu Đông 2011 trong vùng lũ

 LÚA THU ĐÔNG 2011 TRONG VÙNG LŨ

Cho đến nay, diện tích lúa thu đông ở ĐBSCL đã xuống giống 611.314 ha, cao hơn cùng kỳ năm 2011 xấp xĩ 100.000 ha, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Riêng diện tích lúa thu đông tại 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp là 229.868 ha chiếm 37,6 % tổng diện tích lúa thu đông trong toàn vùng. Thiệt hại lúa thu đông mất trắng do lũ gây ra theo báo cáo mới nhất (ngày 1 tháng 10 năm 2011) của 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp là: 4.112 ha (trong đó An Giang: 3.392 ha và Đồng Tháp: 720 ha). Diện tích lúa mất trắng do lũ chiếm 1,78% tổng diện tích lúa thu đông của 2 tỉnh nêu trên và chiếm 0,67% diện tích lúa thu đông trong toàn vùng ĐBSCL. Hiện nay Đồng Tháp đã thu hoạch 74.681 ha đạt 76% diện tích xuống giống với năng suất bình quân khoảng 5,22 tấn/ha. An Giang đã thu hoạch 2.918 ha đạt 2,22% diện tích xuống giống với năng suất bình quân 5,26 tấn/ha.
Theo tổng hợp của Cục Trồng trọt diện tích thu hoạch lúa thu đông đã đạt 154.950 ha chiếm 25,3 % diện tích xuống giống, diện tích lúa còn lại trên đồng là 456.364 ha (273.818 ha đang trong giai đoạn đẻ nhánh, 136.909 ha giai đoạn trỗ và 45.636 ha giai đoạn chín).
Bất ngờ vùng lũ ?
Theo đánh giá chung của Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Nam – Cục quản lý đe điều và PCLB – Bộ NN & PTNT, mùa lũ năm 2011 về thời gian xuất hiện lũ là tương đối phù hợp với quy luật của lũ ở ĐBSCL trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, mực nước lũ năm nay lên nhanh và cao hơn dự báo ban đầu. Do lũ năm nay là lũ lớn nên phần lớn các tuyến đê bao, bờ bao các tỉnh đầu nguồn đều bị đe dọa.
Ông Trần Văn Nưng – Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang đánh giá tình hình công tác PCLB đã được triển khai quyết liệt tại tỉnh An Giang, công tác chuẩn bị đã được triển khai từ đầu năm và khẩn trương từ đầu mùa lũ, nước lũ đang có biểu hiện đứng lại, tuy nhiên vẫn phải đề phòng các cơn bảo có khả năng đổ bộ nước ta, do vậy vẫn phải tiếp tục cảnh giác cao với tình hình lũ còn kéo dài. Về thiệt hại do lũ Ông Nưng cho biết: Nước lũ lên nhanh với cường xuất lớn nên công tác chuẩn bị chưa đáp ứng kịp thời. Đê bao xây dựng đã nhiều năm nên có xuống cấp so với lũ lớn. Lực lượng tuần tra mõng, công tác tuần tra chưa thường xuyên vào đầu mùa lũ. Tuy nhiên Tỉnh An Giang sẽ quyết tâm giữ diện tích lúa còn lại đồng thời sẽ tính toán lại các cao trình đê bao về lâu dài. Đến năm 2015 diện tích sản xuất vụ thu đông trong toàn tỉnh sẽ đạt 195 ngàn ha.
Ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Đồng Tháp cho biết từ tháng 8 UBND tỉnh đã tổ chức đoàn đi kiểm tra tình hình lũ lụt, sạt lỡ bờ sông, công tác bảo vệ lúa thu đông tại các huyện Tam Nông, Thanh Bình, Tân Hồng, Hồng Ngự và Thị xã Hồng Ngự. Đồng Tháp đã triển khai công tác PCLB bảo vệ lúa thu đông đến tận xã, ấp. Dự kiến đến năm 2015 diện tích sản xuất lúa thu đông trong toàn tỉnh đạt 198 ngàn ha.
Bất ngờ vùng lũ ở đây không phải là lũ về nhanh, đột ngột với cường xuất cao, cũng không phải là công tác dự báo không tốt hay những thiệt hại do lũ gây ra cho lúa thu đông. Công tác triển khai phòng chống lũ, bão đã được các địa phương chuẩn bị từ rất sớm bằng việc huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia, khi đến tận vùng nước lũ đe dọa tính mạng, tài sản và lúa thu đông mới thấy hết và biết được những công sức, tài sản và thậm chí cả tính mạng bỏ ra để ngăn dòng lũ dữ, đã có một chiến sĩ tử vong trong lúc thực thi nhiệm vụ tại An Giang. Đã rất lâu mới có thể nhìn thấy lại cảnh các chiến sĩ, thanh niên, sinh viên trường học tập hợp và tham gia vào công tác đắp đê ngăn lũ, đã rất lâu mới thất được bà con góp gạo, góp rau, nấu cơm, nấu mì gói... phục vụ hậu cần cho anh em chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ cứu lúa, và cũng rất lâu mới có dịp đánh giá một cách chính xác và đúng đắn về tình quân – dân, về những tấm lòng của chiến sĩ, đồng bào trong cơn hoạn nạn, phòng chống thiên tai. Người dân cho biết sẳn sàng hiến đất, cây trồng, các phương tiện, vật tư để công tác phòng chống lũ cứu lúa được triển khai.
Tại An Giang đã triển khai nhiều lực lượng với hơn 35 ngàn người tham gia gồm: Trung đoàn 892, sư đoàn 330 thuộc Quân khu 9, Tiểu đoàn 5 – trung đoàn 2 Bộ Công An, tỉnh đội, biên phòng, công an tỉnh, Huyện đội, hội chữ thập đỏ, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, sinh viên đai học An Giang để gia cố hơn 380 km đê, đập tạm, cống bọng và vẫn tiếp tục gia cố thêm 600 km đê trong tổng số 1.000 km cần phải gia cố.
Tại Đồng Tháp đã huy động hơn 4.300 lượt người tham gia gia cố đê bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp gồm bộ đội tỉnh, huyện, lực lượng công an, quân khu 9, Trường đại học Đồng Tháp, các ban ngành, đoàn thể và cả các chưa sắc tôn giáo cũng nhiệt tình tham gia để bảo vệ 670 ô đê bao sản xuất lúa trong toàn tỉnh, trong đó có khoảng 20 đê bao với diện tích gần 20.000 ha lúa có nguy cơ bị vở.
Đồng xanh giữa biển nước
Đến cánh đồng Ô Long Vĩ của huyện Châu Phú, tỉnh An Giang hay các cánh đồng lúa tại Thị Xã Hồng Ngự, huyện Tân Hồng , tỉnh Đồng Tháp mới thấy hết sự lạ kỳ của thiên nhiên và năng lực vô hạn của con người.
Giữa một vùng bao la nước lũ với hàng chục ngàn ha mặt nước nước mênh mông sóng vỗ, mực nước nơi cao nhất có thể đạt đến hơn 5 m so với mặt ruộng lại hiện hữu những cánh đồng lúa từ vài trăm ha đến vài ngàn ha, những cánh đồng lúa đang ở thời kỳ sung sức nhất với một màu xanh bát ngát đang đùa trong gió như không hề nhìn thấy sự đe dọa của thủy thần. Tất cả là công sức và là công sức của hàng vạn con người chống chọi với thiên nhiên trong cuộc mưu sinh trước đây và ngày nay là sự khẳng định trí tuệ, năng lực, khả năng thích ứng với những khắc nghiệt tự nhiên.
Một cánh đồng lúa xanh giữa biển nước mà nước lũ có thể san bằng bất cứ lúc nào và thực tế đã có những nơi không thể cầm cự được, sự “thất thủ” trước lũ -theo như cách gọi của người dân địa phương đã không hề làm nao núng quyết tâm của những người vẫn đang tiếp tục phòng chống lũ, và thực tế đã cho thấy hàng trăm ngàn ha lúa vẫn tiếp tục sinh trưởng và phát triển trên những cánh đồng trong vùng lũ.
Đánh giá cao công tác phòng chống lụt bão và bảo vệ lúa thu đông tại hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Bùi Bá Bổng, Trưởng Đoàn công tác của Bộ NN & PTNT cho biết tình hình nước lũ sẽ còn có nhiều khả năng gây hại trong khoảng 10 ngày tới do vậy cần tiếp tục duy trì công tác gia cố đê bao, tăng cường tuần tra, giám sát và kịp thời có những phương án khả thi để bảo về sản xuất nói chung và lúa thu đông nói riêng. Về kinh phí hỗ trợ cho khắc phục lũ, hỗ trợ thiệt hại tỉnh cần có các đề nghị cụ thể và chi tiết hơn đồng thời cũng cần quy hoạch vùng sản xuất lúa thu đông thật an toàn, có phương án xã lũ để vừa duy trì sản lượng vừa giảm áp lực lũ và nâng cao độ an toàn cho sản xuất lúa thu đông.
Đánh giá về sản xuất lúa Thu đông 2011, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cũng nhận định về cơ bản những thiệt hại trên lúa thu đông là đáng quan tâm, Tuy nhiên nhìn toàn diện về sản xuất lúa thu đông năm 2011 là thành công về diện tích, sản lượng và công tác bảo vệ sản xuất trong mùa lũ lịch sử, nếu giữ vững được diện tích lúa thu đông còn lại thì việc sản xuất lúa thu đông tại ĐBSCL trong những năm tới là điều hoàn toàn có thể thực hiện được tốt hơn.

Công tác phòng chống lũ vẫn còn đang tiếp tục, vẫn còn những nguy hiểm rình rập và vẫn còn phải tốn thêm nhiều công sức, tiền của của nhân dân và của nhà nước. Tuy nhiên lũ lịch sử năm 2011 ở ĐBSCL cũng cho chúng ta tiếp những bài học quý giá về năng lực tổ chức, triển khai phòng chống lũ, kinh nghiệm cần rút ra trong những năm tới và công tác bố trí lại thời vụ sản xuất lúa. Lũ năm 2011 cũng cho thấy các tuyến đê bao kiên cố kết hợp với giao thông và cụm tuyến dân cư vừa đảm bảo an toàn cho sản xuất, vừa nâng cấp giao thông và cụm dân cư thoát lũ với hình thức 3 trong 1 sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn. Lũ lịch sử năm 2011 và công tác bảo vệ lúa thu đông thành công cho đến lúc này đã khẳng định thêm về chủ trương và những hiệu quả mang lại của sản xuất lúa thu đông trong từng hộ nông dân nói riêng và trong toàn vùng ĐBSCL nói chung.

Không có nhận xét nào: