LIÊN KẾT DOANH NGHIỆP VÀ NÔNG DÂN TRONG
“CÁNH ĐỒNG MẪU LỚN”
Mục tiêu xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu
lớn” để đạt đến sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, chủ động trong sản
xuất, điều tiết và tiêu thụ lúa gạo. Tuy nhiên, hiện nay mối liên kết giữa nông
dân và doanh nghiệp thu mua lúa vẫn chưa được tốt, các tiêu chí về lúa để doanh
nghiệp thu mua chưa được công bố, việc sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh
nghiệp chưa phổ biến.
Vấn đề đặt ra là tại sao vẫn chưa thể
thực hiện tốt mối liên kết này trong khi cả nước đến ngày 14 tháng 2 năm 2012
có 153 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu
gạo? Thật ra cũng đã có nhiều doanh nghiệp tham gia thu mua như: Công ty cổ
phần BVTV An Giang, Công ty GenTraCo, công ty cổ phần Lương thực Long An, Tiền
Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, các doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang, Thành Tín, Ngọc
MeKong, Lộc Nguyên, Thới Thạnh, Trung An, Arimex… Tuy nhiên, năng lực và số
lượng thu mua vẫn còn hạn chế. Có lẽ có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế
tham gia của các doanh nghiệp thu mua lúa, có thể là sự ràng buộc pháp lý chưa
rõ ràng, nông dân đòi hỏi giá cả và lợi nhuận vượt quá sự thỏa thuận, không đảm
bảo các yếu tố, tiêu chuẩn hoặc doanh nghiệp không chịu chia sẽ rũi ro, không
đảm bảo thời gian thu mua theo thỏa thuận… Điều này thường xãy ra với nhiều hợp
đồng thu mua nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân. Mối liên kết này trong
“cánh đồng mẫu lớn” cũng không là ngoại lệ.
Chúng ta đang trong quá trình xây dựng
và triển khai mô hình “cánh đồng mẫu lớn” tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu và
sản xuất thu mua theo hợp đồng vì vậy những trục trặc, khó khăn vấp phải cũng
là điều đương nhiên, sẽ có nhiều bước điều chỉnh và hoàn thiện các phương thức
hợp tác được tốt hơn trong tương lai dựa trên những cơ sở lợi ích thiết thực và
hiệu quả cho cả doanh nghiệp và nông dân.
Nông dân cần gì trong “cánh đồng mẫu
lớn” ? Thật ra, trong “cánh đồng mẫu lớn” nông dân cần nhiều thứ không chỉ là
việc thu mua lúa, nông dân cần vốn để tái đầu tư cho sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất,
nhà, kho, mua máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp theo một
phương thức liên kết sản xuất mới, nông dân cần được đào tạo, hướng dẫn KHKT,
gia tăng chất lượng, giá trị, thông tin thị trường để tăng lợi nhuận thu được, cần những dịch vụ
phục vụ trong suốt quá trình canh tác lúa.
Doanh nghiệp cần gì? Doanh
nghiệp cũng cần vốn và lãi suất ưu đãi
để mở rộng và tăng hiệu quả kinh doanh, cần quảng bá và bán sản phẩm với chi
phí thấp nhất, cần tập hợp nông dân và thu hồi công nợ dễ dàng thuận tiện cho
hoạt động thương mại, dịch vụ, cần có một nguồn nguyên liệu thu mua ổn định về
số lượng, chất lượng và đảm bảo về thời gian…
Và hơn hết cả doanh nghiệp
và nông dân đều cần có sự ràng buộc bằng niềm tin hơn là bằng thiết chế, pháp
lý. Vì việc xử lý những sai phạm trong giao dịch thương mại, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại giữa nông dân và doanh
nghiệp thường không mang lại kết quả cao.
Liên kết “4 nhà” mà thực chất giờ đây là liên kết “2
nhà” nhà nông và doanh nghiệp, sản xuất và tiêu thụ đang cần được sự hỗ trợ
thúc đẩy hoạt động giao dịch được suôn sẽ, hiệu quả và bền vững. Hoạt động giao
dịch này không chỉ được đặt trong “cánh đồng mẫu lớn” mà trong hoạt động rộng
lớn hơn về kinh tế, xã hội và văn hóa trong sản xuất, kinh doanh. Liên kết 4
nhà với vai trò tổ chức của Nhà nước và chuyển giao KHKT của nhà khoa học hầu
như luôn được thực hiện trôi chảy trong tất cả mọi liên kết, nhưng nếu như
không có sự đồng thuận của nông dân và quan trọng hơn không có sự tham gia thu
mua của doanh nghiệp thì xem như mối liên kết này sẽ thất bại. Dù có bất cứ
những nỗ lực nào đi nữa mà nông sản không được tiêu thụ thì mô hình hay phong
trào sản xuất sẽ bị trì trệ.
Nông dân có vị trí quan trọng trong thực hiện giao
dịch thương mại nông sản, nông dân cần phải biết và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ
pháp lý của mình đồng thời phải hiểu và yêu cầu doanh nghiệp làm tròn trách
nhiệm pháp lý của doanh nghiệp. Có thể hiện nay hầu hết nông dân đều chưa hiểu
biết những vấn đề này, nhưng trong tương lai phải được tập huấn và đào tạo về pháp
luật thương mại với những yêu cầu căn bản nhất. Đây là nền tảng để thực hiện
các hợp đồng thương mại nông sản không chỉ giữa nông dân và doanh nghiệp trong
nước mà còn giữa nông dân và doanh nghiệp nước ngoài. Việc biên soạn những giáo
trình đơn giãn, dễ hiểu nhưng thiết thực để cung cấp thông tin pháp lý cho nông
dân trong giao dịch thương mại hiện chưa được một cơ quan, đơn vị nào thực
hiện.
Liên kết
Nông dân – doanh nghiệp để tồn tại
Áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật và sử dụng các
dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp chỉ phát huy hiệu quả tối đa khi thực hiện
theo thời gian nhất định và đồng loạt trên một diện tích lớn, diện tích lớn này
chỉ có thể thực hiện khi nông dân liên kết lại sản xuất trong “cánh đồng mẫu
lớn” hình thức sở hữu đất đai không thay đổi nhưng phương thức sản xuất có sự
thay đổi tích cực, hiệu quả, giảm chi phí, tăng giá trị và góp phần tạo ưu thế
cho doanh nghiệp trong cạnh tranh khi có được những sản phẩm mang tính riêng
biệt và giá trị, giá cả có lợi thế.
Sản xuất và xuất khẩu lúa, gạo hàng hóa của Việt Nam
gần đây đang vấp phải sự canh tranh gay gắt của các quốc gia sản xuất lúa như
Ấn Độ, Pakistan và một số nước nhập khẩu gạo đã tự cân đối lương thực hoặc tự
cân đối một phần như Bangladesh và các quốc gia mới tham gia xuất khẩu như:
Campuchia, Myanmar…
Giá gạo trắng xuất khẩu cùng loại của Việt Nam đang thấp hơn về chất lượng và giá với các
quốc gia xuất khẩu gạo
Giá gạo trắng 5% tấm của Việt Nam thấp hơn giá cùng loại của Ấn Độ và Pakistan
từ 50-60 USD/ tấn.
Giá gạo 25% tấm của Việt Nam
thấp hơn giá cùng loại của Ấn Độ và Pakistan từ 15-20 USD/ tấn.
Giá gạo thơm Việt Nam 5% tấm từ 615-625 USD/tấn, trong
khi Thai Hom Mali 100% giá 615-625 USD/tấn, Indian basmati 2% giá 1.055-1.065
USD/ tấn và Paki basmati 2% giá 1.015-1.025 USD/ tấn.
Trong sản xuất lúa, chúng ta hoàn toàn có thể cải
thiện hơn nữa về giá thành, chất lượng, giá trị, thương hiệu để có thể nâng cao
giá, nâng cao lợi nhuận hoặc có thể cạnh tranh giá mà lợi nhuận cũng không đổi
cho cả doanh nghiệp và nông dân. Phương thức sản xuất trong “cánh đồng mẫu lớn”
là tiền đề để triển khai thực hiện những mong muốn cải thiện này. Doanh nghiệp
và nông dân phải cùng hợp lực đồng thuận và chia sẽ nếu không bắt tay và hợp
tác, liên kết thì sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam sẽ vẫn như hiện nay và giá cả, lợi nhuận sẽ
theo chiều hướng giảm dần.
Liên kết
nông dân – doanh nghiệp để cùng thắng
Nông dân không có nhiều cơ hội và khả năng để tiếp cận
và bán sản phẩm hàng hóa của mình sản xuất, các HTX, doanh nghiệp nông nghiệp
do chính người nông dân tổ chức và quản lý chưa đủ mạnh, chưa đủ tiềm lực về
vốn, thương mại và nhân lực, năng lực trong thương trường. Doanh nghiệp nếu chỉ
hoạt động thương mại thì bấp bênh về sản phẩm, thiếu tính ổn định và không có
nhiều cơ hội tốt trong thương thảo, giao hàng do không có nguồn nguyên liệu ổn
định, không chủ động được sản phẩm khi chào hàng… Doanh nghiệp kinh doanh vật
tư nông nghiệp có hệ thống đại lý nhưng không biết sản phẩm và chất lượng sản
phẩm của mình được nông dân chấp nhận đến đâu và cũng không chắc được người mua
ổn định khi có những biến động về giá, về sự cạnh tranh hay những nhu cầu thật
sự của người sử dụng sản phẩm về thời gian và không gian.
Nếu biết chắc rằng số lượng, chủng loại và thời gian
sản xuất để cung ứng cho người sử dụng là bao nhiêu, lúc nào, ở đâu thì doanh
nghiệp sẽ yên tâm và chủ động hơn và nếu biết canh tác lúa gì, bán cho ai, giá
bao nhiêu, vào lúc nào và có thể biết luôn lợi nhuận có thể có được là bao
nhiêu, từ đâu thì nông dân sẽ yên tâm sản xuất và cũng sẽ hạn chế đến mức thấp
nhất những rũi ro có thể xãy ra. Doanh nghiệp sản xuất để nông dân tiêu thụ và
ngược lại nông dân sản xuất để doanh nghiệp tiêu thụ nông sản là một vòng chu
chuyển giữa 2 đối tượng có những nhu cầu và lợi ích có thể san sẽ nhau trong
cùng một không gian và thời gian đó chính là lợi thế để phát triển cho cả hai.
Liên kết để cùng thắng không chỉ có ý nghĩa với từng
hộ nông dân riêng lẽ với doanh nghiệp riêng lẽ mà có ý nghĩa phạm vi, quy mô
rộng lớn hơn của địa phương và của quốc gia.
Liên kết
nông dân – doanh nghiệp để lợi ích kép
Tham gia “cánh đồng mẫu lớn” nông dân sẽ tiết kiệm
được chi phí sản xuất vì canh tác theo một quy trình, đồng loạt và các dịch vụ
như làm đất, thủy lợi, giống, phân bón, thuốc BVTV, cơ giới hóa, phơi sấy… dễ
dàng thực hiện và trong các dịch vụ phục vụ sản xuất này có nhiều dịch vụ sẽ
thấp hơn khi hoạt động riêng lẽ như làm đất, phânbón, thuốc BVTV, thu hoạch,
sấy, có những dịch vụ làm gia tăng chất lượng lúa, gạo như giống, kỹ thuật
tưới, phòng từ dịch hại… chưa kể nếu canh tác theo hướng GAP chi phí sản xuất
sẽ giảm đáng kể mà năng suất chất lượng lại gia tăng và nếu xây dựng thêm
thương hiệu thì lợi ích của nông dân là lợi ích kép: Giảm chí phí, giảm giá
thành, tăng giá trị, tăng lợi nhuận.
Tham gia “cánh đồng mẫu lớn” doanh nghiệp bán hàng
trực tiếp cho nông dân, tiếp xúc và gặp gỡ chính đối tượng đã đóng góp cho sự
tồn tại và phát triển của công ty, doanh nghiệp có cơ hội nắm bắt chính xác
được nhu cầu và những phản hồi đối với sản phẩm của mình, có được một thị
trường tiêu thụ ổn định và lâu dài, có nhiều cơ hội để điều chỉnh chính sách
bán hàng giữa doanh nghiệp đại lý và nông dân một cách hài hòa, chia sẽ đúng
lợi nhuận. Doanh nghiệp mua lúa có sự chủ động và có nguồn nguyên liệu chế
biến, tiêu thụ ổn định, có được một “hậu
phương” để có thể thỏa mãn những yêu cầu khó khăn nhất của khách hàng và
có cơ hội để đáp ứng sản phẩm chất lượng cao, ổn định, lâu dài và lợi nhuận
cũng theo đó mà gia tăng. Nói cách khác doanh nghiệp thu mua lúa trở thành một
“công tử Bạc liêu” với những cánh đồng ruộng thẳng cánh cò bay, có thể yêu cầu
nông dân sản xuất lúa theo chủ ý của mình để bán được có lời nhiều hơn mà không
cần phải tốn tiền để thu gom đất đai hay sở hữu thực sự theo một hình thức nào
khác mà nếu nhà nước có cho phép thì cũng không có doanh nghiệp nào có thể mua
nỗi đất đai để làm vùng nguyên liệu cho mình chưa kể phải đầu tư cơ sở hạ tầng,
quản lý và thuê mướn lao động sản xuất… và hàng loạt những chi phí khác trong
suốt quá trình sản xuất lúa. Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1,7 triệu ha đất
canh tác lúa với khoảng 4 triệu ha gieo trồng và sản lượng lúa hàng hóa khoảng
10-12 triệu tấn mỗi năm và 153 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều
kiện kinh doanh xuất khẩu gạo có thể khai thác vùng nguyên liệu từ quỹ đất đai
này. Thế mà vẫn chưa thể có được một vùng nguyên liệu đúng nghĩa với xuất phát
điểm là “cánh đồng mẫu lớn” đã được triển khai từ hơn 1 năm nay.
Liên kết gì
trong “cánh đồng mẫu lớn” giữa nông dân – doanh nghiệp
Liên kết ở đây được hiểu là có sự hỗ trợ từ hai phía
và dựa trên nền tảng minh bạch, hài hòa lợi ích. Muốn vậy phải thỏa mãn được
câu hỏi hai phía cần gì để cùng phát triển.
Như đã trình bày ở trên, nhưng trong phạm vi liên kết “2 nhà” trong “cánh đồng mẫu
lớn” thì nông dân cần: dịch vụ phục vụ sản xuất lúa tốt nhất với giá thấp nhất,
giống lúa, phân bón, thuốc BVTV tốt, hiệu quả, giá cả hợp lý. Lúa được mua đúng
thời điểm, giá cả phù hợp và các doanh nghiệp giữ đúng lời hứa. Ngược lại doanh
nghiệp cũng cần nông dân tuân thủ các quy trình sản xuất, quy định về sử dụng
hàng hóa, cam kết có đúng và có đủ lúa với những phẩm chất theo đặt hàng. Sự
liên kết này cần có sự ràng buộc bằng niềm tin và hợp đồng thương mại.
Những doanh nghiệp đầu vào về phân bón như Công ty cổ
phần Phân bón Bình Điền với những cam kết và thực thi rất tốt với hàng chục
ngàn ha “cánh đồng mẫu lớn” mỗi vụ lúa trong thời gian qua về cung ứng phân bón
chất lượng, giá cả hợp lý cho người dân. Công ty cổ phần BVTV An Giang thực
hiện hẵn một chương trình đầu tư thu mua và chế biến lúa gạo thông qua các hợp
đồng hợp tác sản xuất lúa hàng hóa với nông dân đạt hiệu quả cao. Công ty cổ
phần GenTraco và một vài công ty cổ phần lương thực ở các tỉnh hợp đồng thu mua
toàn bộ lúa trong “cánh đồng mẫu lớn” là những liên kết rất có hiệu quả cần
được tiếp tục mở rộng.
Về lâu dài sự liên kết này phải tích cực hơn nữa. Trước
hết doanh nghiệp trong liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là doanh nghiệp
tiêu thụ đóng vai trò chủ đạo. Doanh nghiệp khép kín đầu tư VTNN đầu vào và
tiêu thụ đầu ra là một mô hình hoàn hảo, tiếc thay chúng ta có quá ít doanh
nghiệp theo hình thức này và nếu có thì năng lực cũng hạn chế. Do vậy vai trò
đầu mối của doanh nghiệp thu mua là liên kết được với các doanh nghiệp đầu vào
để cung ứng VTNN và thu mua sản phẩm của nông dân. Nông dân chỉ giao dịch với
một doanh nghiệp duy nhất trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, phần còn lại là
hợp đồng giữa các doanh nghiệp với nhau. Phương án này có nhiều khả năng thực
hiện được vì nó có thể phát huy được năng lực của rất nhiều doanh nghiệp nhỏ
trong nhiều lĩnh vực.
Sự minh bạch và hài hòa lợi ích là một sự liên kết bền
chặt và lâu dài: Minh bạch về giá bán, giá mua, về hợp đồng cung ứng và minh
bạch cả về lợi nhuận của doanh nghiệp và nông dân sẽ góp phần chia sẻ gánh nặng
về áp lực cạnh tranh của nông dân với doanh nghiệp khi có những khó khăn trong
giá cả tiêu thụ sản phẩm khi doanh nghiệp phải đối phó với thị trường xuất
khẩu.
Minh bạch và hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp và
nông dân sẽ hạn chế rũi ro khi hàng hóa nông sản dư thừa, hạn chế sự bẻ kèo của
cả hai phía.
Trong tương lai sự cạnh tranh là cạnh tranh vùng
nguyên liệu, cạnh tranh giá thành để có được lợi nhuận và sự cạnh tranh này là
giữa Việt Nam với các nước có hàng hóa nông sản tương tự chứ không phải là sự
cạnh tranh giữa các doang nghiệp trong nước với nhau và vì vậy còn có vai trò
rất lớn của nông dân trong sự cạnh tranh quốc gia về giá thành, chất lượng và
giá trị hàng hóa nông sản. Nông dân đóng góp vai trò tích cực cho hiệu quả của
xuất khẩu nông sản và trực tiếp đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp từ
chính những sản phẩm chất lượng, giá thành hạ của nông dân. Doanh nghiệp phải
hỗ trợ lại nông dân trong việc thỏa mãn các tiêu chí sản phẩm và đồng hành cùng
người dân thực hiện các tiêu chí này để doanh nghiệp tồn tại. Đó không chỉ là
sự sòng phẳng, minh bạch trong mua bán mà đó còn là văn hóa, tình người và
trách nhiệm trước phát triển kinh tế nông nghiệp quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét