(Dân
Việt) - Nếu như năm 2006, mặc dù giá gạo còn thấp, song người nông dân vẫn có
thể thu được 70% tổng lợi nhuận từ sản xuất và kinh doanh lúa gạo, thì đến năm
2010, người trồng lúa chỉ thu được có 10%.
Đó là số liệu mới nhất được công bố
trong một tài liệu có tiêu đề “Ai được lợi từ việc tăng giá gạo?” do Tổ chức
Oxfam tại Việt Nam phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông
nghiệp, nông thôn (Ipsard) điều tra, nghiên cứu.
Thu nhập giảm dần
Một bức tranh chung mà kết quả của cuộc
điều tra, nghiên cứu trên đã cho thấy đời sống của những người trồng lúa hiện
nay. Đó là, thu nhập của người trồng lúa vẫn còn ở mức thấp và chiếm tỷ trọng
nhỏ trong tổng thu nhập của nông hộ tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Năm
2008, người trồng lúa còn thu được 64% trong cơ cấu thu nhập của mình, thì đến
năm 2010, con số này chỉ còn lại là 50%. Đặc biệt, tỷ lệ này còn có sự chênh
lệch lớn giữa các nhóm hộ có quy mô đất khác nhau và thực tế 80% nông hộ có
diện tích dưới 5.000m2 đất chỉ thu được 20% thu nhập từ trồng lúa; thậm chí ở
nhóm có diện tích lúa thấp, tỷ lệ này chỉ chiếm dưới 10% trong năm 2010.
Các chuyên gia trong nghiên cứu này đã
chỉ rõ: Sản xuất lúa gạo ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với an ninh
lương thực, nhưng lại chưa góp phần tạo ra nguồn thu nhập chính cho các hộ
trồng lúa. Nguyên nhân là do sản xuất lúa ở Việt Nam hiện đang đối mặt với một
số trở ngại lớn như: Diện tích lúa còn nhỏ và đang giảm dần do chịu sự cạnh
tranh của các cây trồng khác, cùng quá trình công nghiệp- đô thị hóa.
Chỉ thu được 10% lợi nhuận
Một kết quả từ nghiên cứu này cũng cho
thấy, mức lợi nhuận mà người trồng lúa nhận được trong chuỗi sản xuất- kinh
doanh- xuất khẩu lúa gạo là thấp nhất, trong khi đó chi phí sản xuất mà họ phải
bỏ ra lại là cao nhất. Cụ thể, điều tra trong năm 2010 cho thấy mức lợi nhuận
của người trồng lúa chỉ khoảng 20% cho tất cả các loại gạo. Còn nếu so sánh mức
lợi nhuận mà người trồng lúa nhận được với tổng lợi nhuận từ sản xuất và kinh
doanh gạo cũng chứng tỏ một sự suy giảm mạnh trong lợi ích mà người trồng lúa
nhận được. Nếu năm 2006 dù giá gạo còn thấp, nhưng người nông dân vẫn có thể
thu được 70% tổng lợi nhuận từ sản xuất- kinh doanh lúa gạo, thì đến năm 2008
con số này đã giảm xuống còn 23% và năm 2010, thậm chí chỉ còn 10%.
Kết quả điều tra tại thời điểm năm 2011
cho thấy, với diện tích bình quân 3,3ha/hộ, thu nhập hàng năm của người trồng
lúa chỉ đạt 27 triệu đồng, tương đương với 550.000 đồng/người/tháng, thấp hơn
thu nhập từ làm các cây trồng khác.
Mặc dù lợi nhuận thu được thấp, song so
sánh chi phí và lợi nhuận trên từng tác nhân trong chuỗi giá trị thì chi phí mà
người trồng lúa phải bỏ ra là lớn nhất, chiếm 63% tổng chi phí xuất khẩu gạo
(chưa tính đến công lao động), gồm: Vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Trái lại, hầu hết các DN xuất khẩu gạo đều có lãi.
DN “ăn” hết
Không được lợi từ chính sách tạm trữ
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ rõ nguyên
nhân, người nông dân hiện không được hưởng lợi từ chính sách thu mua tạm trữ
lúa gạo với 3 lý do chính: Việc xác định giá mà các DN xuất khẩu phải trả cho
người nông dân là phức tạp và không phù hợp; thời gian cho vay tạm trữ thường
là 3 tháng, nhưng DN không mua tại thời điểm giá cao, mà chỉ tiến hành mua khi
giá ở mức thấp; thời gian thu hoặc lúa tương đối khác nhau giữa các tỉnh, song
thời gian thu mua tạm trữ lại cố định.
Vậy ai là người được lợi trong chuỗi
giá trị sản xuất- kinh doanh lúa gạo là điều mà các chuyên gia muốn chỉ ra
trong nghiên cứu này. Theo điều tra, nghiên cứu sâu tại 2 DN xuất khẩu gạo ở An
Giang cho thấy, lợi nhuận mà các DN thu được từ xuất khẩu gạo tăng rất cao.
Cụ thể, tỷ trọng từ xuất khẩu gạo trong
tổng lợi nhuận của DN này năm 2007 chỉ có 7%, tăng lên 99% năm 2008 và năm 2010
tuy có giảm một chút song vẫn đạt tới 97%.
Một điều đáng nói là, mặc dù các DN thu
được lợi nhuận chính từ xuất khẩu gạo, song họ lại không sử dụng lợi nhuận đó
để đầu tư trở lại vào sản xuất lúa hay hỗ trợ nông dân, mà sử dụng vào các mục
đích khác nhau, thậm chí sang kinh doanh ở cả các mặt hàng phi nông nghiệp như
kinh doanh xe gắn máy.
Lý do mà các DN này không tái đầu tư
vào nông nghiệp là do họ quan niệm rằng, nhiệm vụ đầu tư cho nông dân là việc
của Chính phủ. Mặt khác, cho nông dân vay vốn gặp khá nhiều rủi ro; đầu tư cho
người trồng lúa đòi hỏi một lượng tiền lớn mà các DN xuất khẩu khó có khả năng
huy động đủ vốn.
Cuối cùng, việc chuyển sang đầu tư kinh
doanh ở các lĩnh vực khác có thể giúp DN xuất khẩu giảm rủi ro và thu lợi nhuận
cao hơn.
Lê Hân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét