Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

NỖI LO CỦA BÀ CON NÔNG DÂN KHI THỰC HIỆN VIETGAP



            NỖI LO CỦA BÀ CON NÔNG DÂN KHI THỰC HIỆN VIETGAP
Lê Thanh Tùng[1]
           
            Trong quá trình tiếp xúc và trao đổi với bà con nông dân khi trình bày việc thực hiện quy trình sản xuất cây trồng theo VietGAP, câu hỏi đặt ra trước hết là: Thực hiện theo VietGAP có khó khăn như thế nào? giá thành sản xuất có tăng hơn không và có ai mua cao giá hơn không? Nhà nước có đầu tư gì không? Cần có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho những người thực hiện theo VietGAP…
            Đây là những câu hỏi hoàn toàn chính đáng, phù hợp với những bức xúc và nỗi lo lắng của những người sản xuất nông sản hàng hóa trước đây và ngay trong thời điểm hiện nay. Nông dân nói chung, sản xuất ra nông sản hàng hóa có thể mang lại lợi nhuận cao trong một vài vụ hoặc một vài năm sản xuất nhưng không ổn định và khả năng tích lũy, tái đầu tư cho sản xuất còn thấp, sự tính toán và sắp xếp kế hoạch sản xuất còn bị hạn chế do trình độ học vấn, trình độ hoặc nhận thức về kinh tế thị trường, nguồn tài chính và nhân lực thiếu thốn nghiêm trọng… Trong khi đó, những sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị chuyên môn, của các doanh nghiệp vẫn còn cách xa với nhu cầu và mong muốn của người dân. Hiện nay, khi nguồn nhân lực chuyên môn của các cơ quan nhà nước cũng còn thiếu, và sự hỗ trợ cũng dừng lại ở việc cung cấp cho kiến thức chung, cho “cần câu” để người sản xuất tự câu…. Nói chung, mong muốn và nhu cầu của nông dân là vô hạn và sự đáp ứng là có giới hạn.
            Trước thực tế nêu trên, câu trả lời cho nông dân thường không mang tính thuyết phục, nông dân chưa thật sự thấy thỏa mãn và yên tâm khi tiến hành thực hiện theo sự khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, mặt khác cũng còn một bộ phận nông dân ỷ lại, nghĩ rằng chương trình phát động của nhà nước thì nhà nước phải chăm lo cho người dân để thực hiện sự phát triển chung, đây là một bài toán khó cần có những đáp án linh động và phù hợp với thực tế của từng nơi, mang tính thuyết phục và có lợi ích thiết thực cho người dân. Cần có sự đồng tâm, hiệp lực của rất nhiều bộ phận và nhiều cơ quan chuyên môn, cơ quan đoàn thể, chính quyền và quan trọng là bà con nông dân.
            Về những khó khăn khi thực hiện VietGAP: nếu được giải thích và trình bày một cách chi tiết các yêu cầu cụ thể thì sản xuất theo VietGAP hoàn toàn không có gì khó khăn, không khác với cách sản xuất lâu nay của bà con nông dân, sự khác nhau là quy trình sản xuất được đồng bộ hóa cho phù hợp với vùng sản xuất, cần phải ghi chép lại quá trình sản xuất vào sổ tay, có sự kiểm tra, giám sát, nhắc nhỡ theo quy trình chung và thực hiện một vài tiêu chí bắt buộc để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, cho môi trường, điều này khi được giải thích, trao đổi thì đa số bà con nông dân đều cho rằng có thể thực hiện được, có thể cải thiện tập quán canh tác lâu nay.
            Về giá thành sản xuất theo VietGAP: Lâu nay, bà con nông dân khi tiếp cận một tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp mới đều có suy nghĩ là sẽ tốn kém hơn, nào là phải mua thêm dụng cụ, máy móc, phải sử dụng những công cụ, thiết bị đạt yêu cầu kỹ thuật, phải sử dụng vật tư nông nghiệp có chất lượng, hiệu quả, giống cây trồng theo tiêu chuẩn… tính toán ban đầu làm cho nông dân thấy chi phí đầu tư cao hơn, tuy nhiên năng suất, chất lượng và lợi nhuận sau cùng là những điều mà phải đến lúc thu hoạch và bán sản phẩm thì mới thấy được do vậy tâm lý ban đầu là ngán ngại, khi tiến hành phổ biến chương trình VietGAP và xây dựng mô hình, sau đó có hội thảo thì bà con nông dân mới nhìn thấy được hiệu quả, đây cũng là việc bình thường, vì sản lượng thu hoạch của mùa vụ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của nông dân họ chưa dám mạo hiểm khi chưa thấy được hiệu quả thiết thực. Điều này không khó khi triển khai và khuyền cáo người dân, chỉ cần chú tâm đến mô hình và vận hành có hiệu quả thì người dân sẽ thấy được. Trong quá trình triển khai mô hình sản xuất theo hướng VietGAP tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long dù chỉ mới là sổ tay ghi chép sản xuất lúa nhưng bà con nông dân đã thấy được hiệu quả thiết thực khi tổng kết chí phí có những hộ đã tiết kiệm được rất nhiều những tốn kém không cần thiết, và khi tính toán giá thành cho từng hộ nông dân họ thấy rằng sản xuất theo những quy trình khuyến cáo đã thật sự tiết kiệm và giảm giá thành sản phẩm.

            Vấn đề còn lại là ai mua, mua giá thế nào và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm không? Phải nhìn nhận một cách thực tế rằng có nhiều doanh nghiệp nhạy bén với việc theo dõi tiến trình thực hiện sản xuất nông nghiệp theo GAP, VietGAP tại Việt Nam và tích cực tham gia từ khâu đầu tư, bao tiêu sản phẩm với giá có lợi cho nông dân, thông thường cao hơn sản phẩm cùng loại khoảng 20%. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp như trên cũng còn rất ít. Điều này cho thấy tính nhất thời và chưa có sự chú tâm xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu nông sản của các doanh nghiệp. Xu hướng sản xuất và sử dụng nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm là của toàn thế giới và là xu hướng tất yếu trong việc nâng cao giá trị nông sản, với quốc gia mà giá trị xuất khẩu nông sản hàng năm khoảng 26 tỉ USD như Việt Nam thì vấn đề này cần phải được quan tâm nhiều hơn, chưa kể chúng ta có một thị trường nội địa cho gần 90 triệu dân. Việc tiêu thụ nông sản sản xuất theo VietGAP không phải là vấn đề quá khó đối với doanh nghiệp khi không phải tốn kém quá nhiều chi phí, khi vùng nguyên liệu đã được hình thành, thương hiệu và chất lượng nông sản do người sản xuất làm ra thì việc thu mua chế biến và tiếp thị sản phẩm an toàn này là không quá khó với một doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, vấn đề là chúng ta cần phải kết hợp với nhau ngay từ đầu, doanh nghiệp lên tiếng bao tiêu và cùng với nông dân sản xuất tiêu thụ tốt hàng hóa theo VietGAP thì sự ổn định sản xuất sẽ được giữ vững và lợi nhuận từ các phía sẽ được nâng lên.
            Bà con nông dân cũng cần phải nhận thức được rằng muốn nâng cao giá trị và lợi nhuận thì phải tiến hành sản xuất ra hàng hóa nông sản vệ sinh an toàn thực phẩm và con đường đi đến đó là sản xuất theo VietGAP có như vậy thì mới cải thiện được đời sống và thu nhập ổn định lâu dài.
            Mỗi nông dân một sổ tay ghi chép sản xuất, mỗi cánh đồng, khu vườn phải sản xuất theo VietGAP, kết hợp lại thành từng vùng nguyên liệu từ nhỏ đến lớn thị trong nhiều năm tới mới có hy vọng nâng cao giá trị nông sản của nông dân trong nước và nước ngoài./.   


[1] Thạc sĩ – Phó phòng Cây Lương thực – Cây Thực phẩm – Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Không có nhận xét nào: